Sau khi giá Bitcoin xuyên thủng mốc 30.000 USD/đồng và lao dốc vào đầu tháng 6, Bá Quyền (31 tuổi, trú tại Quảng Ninh) quyết định xóa app và tạm rời thị trường. Dù mới tham gia từ đầu năm nay, tài khoản của nhà đầu tư này đã lỗ khoảng 60%.

“Cuộc sống tôi bị đảo lộn hoàn toàn, gia đình biết tôi chơi thua lỗ nên cũng có lời qua tiếng lại, công việc thì không thuận lợi thành ra tâm lý khá rối bời. Có những hôm mất ăn, mất ngủ, trằn trọc cả đêm vì ấm ức, cứ đinh ninh rằng có thể kiếm được một khoản khi thị trường phục hồi”, anh tâm sự.

Gần một tháng kể từ lần cuối truy cập vào ứng dụng giao dịch, cuộc sống của anh dường như đã trở lại bình thường. Thay vì dành hàng giờ nhìn biểu đồ và trò chuyện về crypto mỗi ngày, anh dốc toàn tâm cho công việc và gia đình.

Bao ve tai san so trong mua downtrend anh 1

Thị trường vẫn chìm đắm trong sắc đỏ. Ảnh: Coin360.

Giải pháp ổn định tâm lý

“Lỗ thì cũng lỗ rồi, càng nghĩ đến nó thì càng ảnh hưởng đến tâm lý hay sinh hoạt hàng ngày. Tôi tin thị trường sớm muộn cũng sẽ đảo chiều, chỉ buồn là vốn đầu tư nay mắc kẹt, cắt lỗ thì tiếc, không biết bao giờ mới gỡ lại được”, anh nói thêm.

Theo chỉ số đo lường Fear and Greed, tâm lý của giới đầu tư vẫn tiếp tục chìm trong sợ hãi suốt trong vòng 3 tháng qua. Có thời điểm mức độ sợ hãi của thị trường tăng gần kịch khung.

Tính đến ngày 30/6, giá Bitcoin vẫn dao động quanh mốc 20.000 USD, thu hẹp vốn hóa xuống còn 383 tỷ USD. So với mức ATH hồi tháng 11/2021, Bitcoin đã bốc hơi khoảng 72% giá trị.

Kết thúc tháng 6, giá Bitcoin suy yếu khoảng 36,85%. Như vậy đồng tiền số lớn nhất thế giới đã có 3 tháng liên tiếp tăng trưởng âm, đây cũng là quý tăng trưởng âm thứ 2 của Bitcoin trong năm nay.

Bao ve tai san so trong mua downtrend anh 2

Tâm lý của một số nhà đầu tư Việt bị ảnh hưởng nặng nề sau khi thua lỗ. Ảnh: BitMag.

Đà lao dốc của Bitcoin đã kéo quy mô thị trường crypto xuống còn 893 tỷ USD, giảm 70% từ ngưỡng lịch sử 3.000 tỷ USD. Theo một số chuyên gia, Bitcoin nói riêng và crypto nói chung đang bước vào một mùa đông mới.

“Tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu đi kèm rủi ro liên quan đến tăng trưởng toàn cầu đã đưa tiền mã hóa vào giai đoạn thoái trào”, ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn The Americas Oanda (trụ sở ở Mỹ), chia sẻ với Zing.

Diễn biến tiêu cực của thị trường khiến nhiều đầu tư tại Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các F0 chưa có nhiều kinh nghiệm và chạy theo phong trào. Không ít người trong số đó đã phải tuyên bố xóa app, rời bỏ cuộc chơi và chưa hẹn ngày quay trở lại.

Theo ông Victor Nguyễn - nhà sáng lập CyptoLeakVn - những nhà đầu tư chót all in (dốc vốn) vào crypto có thể trú đông bằng cách đó. Về cơ bản, nhà đầu tư chưa lỗ nếu chưa thanh lý tài sản nắm giữ nhưng nếu ở lại thì khả năng chốt lỗ luôn cao hơn việc tập trung cho cuộc sống ổn định để tâm lý không phụ thuộc vào tỷ giá crypto

“Thật khó để ra quyết định cắt lỗ khi danh mục không như kỳ vọng. Cần biết là mọi quyết định đưa ra thời gian này thực sự rất rủi ro. Nếu bạn là nhà đầu tư lâu năm, phân bổ tài chính tốt thì đây là lúc lý tưởng để tìm những đồng coin top và chọn vị thế đẹp để mua”, vị này nhận định.

Để tiền trên sàn chưa chắc an toàn

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng biết rời thị trường sao cho đúng cách. Trên thực tế, một số người dùng lầm tưởng tài sản sẽ được lưu trữ an toàn trên các sàn giao dịch phổ biến như Binance, Houbi, FTX, Mexc…

Đây có thể là quan niệm sai lầm khi trong quá khứ, tình trạng tin tặc tấn công sàn giao dịch hay nền tảng để lấy cắp tài sản của người dùng diễn ra tương đối phổ biến. Đáng nói, hầu hết nạn nhân của các vụ tấn công đều không được bồi thường.

Năm 2016, sàn Bitfinex bị hacker chiếm 120.000 Bitcoin có giá trị khoảng 72 triệu USD. Theo tỷ giá hiện nay, ngay cả khi đã giảm sâu, số Bitcoin này có thể lên tới 2,4 tỷ USD.

Sàn Mt. Gox của Nhật Bản vào năm 2014 cũng bị đánh cắp 850.000 Bitcoin trị giá khoảng 480 triệu USD, tương đương 17 tỷ USD hiện nay. Hay sàn Coincheck tại Nhật Bản vào năm 2018 bị hacker chiếm 523 triệu token NEM trị giá 400 triệu USD.

Bao ve tai san so trong mua downtrend anh 3

Không phải cứ xóa app là có thể yên tâm tài sản được lưu trữ an toàn. Ảnh: CoinDesk.

Gần nhất, nền tảng tài chính phi tập trung Poly Network bị hacker đánh cắp 611 triệu USD tiền mã hóa vào tháng 8/2021. Tháng 3 năm nay, mạng blockchain Ronin Network của trò chơi Axie Infinity cũng bị tấn công và thiệt hại 615 triệu USD, trở thành vụ hack lớn nhất của thị trường crypto.

“Một số rủi ro khác như khi nhà đầu tư quay lại thị trường thì các sàn buộc KYC (định danh cá nhân). Hoặc có nhiều tình huống là sàn sập trước khi xu hướng đầu tư cryptp hồi phục”, ông Victor chia sẻ.

Đại diện CyptoLeakVn cho biết nếu quyết định xóa app và tạm rời thị trường, người dùng cần đảm bảo đã rút hết coin/token từ sàn về các ví điện tử không lưu ký (non-custodial wallet) như Trust Wallet, Safepal, Metamask… và cất giữ mã khóa cẩn thận. Cẩn thận ở đây đồng nghĩa trong trường hợp mất thiết bị hoặc hư, người dùng vẫn có thể truy cập bằng thiết bị khác và khôi phục dữ liệu đó.

Đối với hoạt động stacking và gửi tiết kiệm tài sản trên sàn, ông Victor cho rằng tất cả dịch vụ tập trung đều bị động và phụ thuộc vào phía chủ quản. Do vậy, để đảm bảo sự chủ động trong mọi tình huống, người dùng có thể dùng các protocol stacking phi tập trung vì lãi suất giữa sàn và nền tảng phi tập trung đều tương đồng.

(Theo Zing)