Trước đó, Uỷ ban Liên kết quốc gia và Hội nhập (NCIC) đã cáo buộc nền tảng mạng xã hội của Meta vi phạm hiến pháp và luật pháp nước này, khi không thể chấm dứt tình trạng bài viết kích động thù địch tràn lan, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc gia Kenya sắp diễn ra vào ngày 9/8 tới đây.
NCIC cũng cho biết, họ đang phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý ngành và khuyến nghị đình chỉ hoạt động của Facebook tại Kenya trong trường hợp nền tảng mạng xã hội này không tuân thủ các yêu cầu đặt ra.
Trong khi đó, Joe Mucheru, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông và Công nghệ Kenya nói rằng, họ không có kế hoạch “đóng cửa bất kỳ nền tảng nào” và “tự do báo chí cần được đảm bảo, bất kể là truyền thống hay mạng xã hội”.
Đại diện của Meta (công ty mẹ Facebook) cho biết, công ty đang tiến hành “các bước sâu rộng” để loại bỏ các nội dung kích động, bài viết hận thù và tăng cường hoạt động kiểm duyệt trước kỳ bầu cử sắp tới. Trong thời gian qua, Facebook đã xoá hơn 37.000 bài viết kích động thù hận và bạo lực.
Các phe phái chính trị tại Kenya thường xuyên sử dụng nền tảng truyền thông xã hội để tuyên truyền cho các ứng viên tổng thống của họ, thuyết phục người khác tham gia ủng hộ hoặc buộc tội các phe đối thủ về những hành vi sai trái khác nhau.
Trong kỳ bầu cử lần trước, xung đột đã nổ ra giữa 45 bộ lạc của đất nước này. Tuy nhiên, Mucheru khẳng định cuộc bầu cử năm nay sẽ khác, bất chấp việc các hoạt động chính trị ngày càng gia tăng.
Vinh Ngô (Theo Reuters)