FPT vừa thông qua việc thoái 30% vốn khỏi FPT Retail. Song song đó, 5% cổ phần từ FPT Retail cũng được các cổ đông cá nhân trong tập đoàn bán ra.

Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail, tập đoàn FPT sở hữu 85% vốn của FPT Retail, còn lại 15% vốn FPT Retail thuộc sở hữu cá nhân là cán bộ nhân viên tập đoàn.

Tổng cộng lần bán này FPT Retail tung ra thị trường 35% cổ phần công ty.

Hai nhà đầu tư tổ chức mua số cổ phần lớn nhất lần này là VinaCapital và Dragon Capital. Theo một thông báo riêng do VinaCapital gửi đi, đăng trên tờ Deal Street Asia, quỹ này đã dành tổng cộng 11 triệu USD để mua lại cổ phần từ FPT Retail. VinaCapital không tiết lộ họ mua bao nhiêu trong tổng số 35%.

Các bên không tiết lộ mỗi cổ phần của FPT Retail giá bao nhiêu, tuy nhiên bà Điệp cho rằng mức này phải trên 90.000 đồng/cổ phần. Đây là mức tối thiểu tập đoàn FPT cam kết mua lại cổ phần của nhân viên, do đó bà Điệp suy đoán mức giá bán cổ phần lần này phải bằng hoặc trên mức tập đoàn cam kết mua lại.

Không có thông tin chính thức mỗi quỹ đầu tư trên sở hữu bao nhiêu số cổ phần của FPT Retail, tuy nhiên các suy đoán cho biết mỗi quỹ có thể sở hữu 15% cổ phần, tức mỗi bên mua một nửa trong số 30% FPT bán ra.

Nếu VinaCapital bỏ 11 triệu USD tương đương 15% cổ phần, tổng giá trị thương vụ này có thể trên 25 triệu USD. Tuy nhiên thông tin này vẫn chỉ là phỏng đoán.

Trang Deal Street Asia dẫn công bố của VinaCapital cho biết theo cam kết của thương vụ này, FPT Retail sẽ niêm yết lên sàn chứng khoán vào năm 2018. Bà Điệp xác nhận FPT Retail sẽ "lên sàn" vào năm sau.

Từ đầu FPT Retail cho biết muốn bán cổ phần cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm bán lẻ và thương mại điện tử, tuy nhiên tập đoàn FPT đã bán cho hai nhà đầu tư tổ chức là VinaCapital và Dragon Capital. Theo bà Điệp, FPT Retail đã tiếp các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan muốn mua cổ phần FPT Retail tuy nhiên các bên không thoả thuận được việc mua bán.

Việc này có lẽ do phía đối tác mong muốn có chân trong HĐQT của FPT Retail hoặc do họ muốn mua nhiều cổ phần hơn so với mức FPT muốn bán ra, theo bà Điệp. Do đó cổ phần FPT Retail cuối cùng đã bán cho các nhà đầu tư là tổ chức đầu tư tài chính đơn thuần nói trên.

Ngoài đợt bán bán 30% vốn tại FPT Retail (giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% hiện tại xuống 55%) như hiện tại, FPT cho biết sắp tới sẽ bán tối đa 10% (giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%) cho nhà đầu tư khác thông qua các công ty chứng khoán.

Năm 2017, FPT Retail tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 27,5% và tăng trưởng lợi nhuận trên 40%. Trong đó, FPT Retail tập trung đẩy mạnh mảng thương mại điện tử và tiếp cận khách hàng theo mô hình kinh doanh mới. Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ lĩnh vực Bán lẻ của FPT đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và LNTT đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.

FPT sẽ bán cổ phần, không bán đứt FPT Shop