Để xuất bán 1 lứa gà Hồ, người nuôi phải mất khoảng 1,5-2 năm. Thời tiết không thuận lợi, gà thương phẩm ít, nhiều người bỏ nhiều tiền để săn đặc sản này cho Tết Nguyên đán.
Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở làng Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh có khoảng 100 con gà Hồ bán Tết. Giống gà gia đình anh đang nuôi được biết đến là đặc sản tiến vua, từng rất quý hiếm vì đã được đưa vào Sách đỏ để bảo tồn.
Đặc tính của giống gà này là con to 4,5-6 kg/con, mã đẹp, thịt chắc, ngọt. Vì vậy, vào dịp này, khách ở các nơi tìm đến mua nhiều. "Mỗi con có giá lên tới cả 3-4 triệu đồng. Hầu như ngày nào cũng có người đến hỏi mua nên tôi chẳng dám đi đâu, phải thường trực ở nhà tiếp khách", anh Trường cho hay.
Theo chủ hộ, số lượng gà Hồ ngày càng ít đi do khó gây giống, thời gian nuôi dài, phải 1,5-2 năm mới được xuất bán. Tuy nhiên, giá bán ra lại không tăng so với các năm.
Sợ khan hàng, nhiều gia đình đã đặt mua đặc sản gà Hồ tiến vua ngay từ thời điểm này. Theo đánh giá của người chăn nuôi, số lượng gà ít nhưng giá không biến động. |
"Tùy thuộc vào mẫu mã, nguồn gốc và cân nặng của từng con mà loại đặc sản này được định giá khác nhau. Loại dưới 4 kg có giá bán tại vườn khoảng 350.000-400.000 đồng/kg, loại 5-6 kg là 500.000-600.000 đồng/kg. Những con hậu duệ của giống gà "Hoa hậu" (gà đạt giải trong cuộc thi gà Hồ khu vực) có thể bán được với giá lên tới 1 triệu đồng/kg, thậm chí vô giá nếu chủ không muốn bán", anh Trường cho hay.
Ngoài kích cỡ lớn, gà Hồ không có đặc điểm khác biệt so với giống thông thường. Tuy nhiên, dòng giống, tiếng tăm và độ thơm ngon của thịt khiến sản phẩm được khách chuộng mua. Hiện tại, đã có khách trả giá con gà trống to nhất đàn nặng gần 6 kg tới 5 triệu đồng nhưng anh Trường không bán. Bởi theo anh, đây là con giống tốt nhất, là linh hồn của cả đàn gà sau này.
Anh Nguyễn Văn Thanh, cùng làng với anh Trường đang sở hữu 100 con gà Hồ các loại, trong đó một nửa là gà thương phẩm. Anh cho biết, thời tiết năm nay không thuận, gà bệnh nhiều nên ít gia đình duy trì được số lượng ban đầu đến thời điểm này.
Cũng theo chủ hộ này, gà Hồ nuôi theo hình thức thả vườn. Thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, cám gạo bèo và rau xanh, không có cám công nghiệp. Cũng vì vậy, thịt gà thơm và chắc. Khách mua quen năm nào cũng đặt hàng từ 2 tháng trước Tết.
Số lượng gà thương phẩm ít, thời gian nuôi lâu khiến giống gà Hồ được nhiều người săn lùng trước Tết cả tháng trời. |
"Từ đầu tháng 12, gia đình không còn gà để bán. Khách mua chủ yếu là chỗ quen biết ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Mỗi người đặt mua dăm ba con là hết cả đàn. Hiện tại, tôi đang nuôi cầm chừng để trả hàng cho khách vào cận Tết", anh cho hay.
Phải tới tận vườn ở Bắc Ninh, chị Lưu Thị Nhàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới hỏi mua được một cặp gà Hồ ưng ý. Chị cho biết, tổng trọng lượng 2 con là 8 kg, giá là 5,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chị phải thuyết phục mãi chủ nhà mới đồng ý bán bởi muốn giữ lại ăn Tết.
Theo khách hàng này, khi thị trường quà biếu bão hòa thì các món đặc sản, đặc biệt là thực phẩm sạch luôn có giá trị hơn cả. Bởi thế, theo chị, mức giá trên 5 triệu đồng một cặp là không quá đắt.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Phó chủ tịch hội Sinh vật cảnh thị trấn Hồ, Hội trưởng Hội chăn nuôi gà Hồ (Thuận Thành Bắc Ninh), gà Hồ tương truyền có lịch sử hơn 600 năm, từng được chọn làm sản vật tiến vua của vùng đất Bắc Ninh. Mặc dù được coi là thủ phủ của giống gà này song ở Bắc Ninh, số lượng người nuôi không nhiều.
Hiện tại, câu lạc bộ gà Hồ trong làng chỉ có khoảng 34 hộ nuôi loại này với tổng số gần 1.000 con. Mô hình chủ yếu nhỏ lẻ theo hộ gia đình và để phục vụ cá nhân, ít thương phẩm. Mỗi hộ trung bình sở hữu 10-20 con, nhiều nhất khoảng 200 song gà thương phẩm chỉ chiếm một nửa.
Do nuôi gà thương phẩm tốn nhiều thời gian, giá trị xuất bán không tăng nên lượng người nuôi giảm hẳn. Hiện tại, một số hộ chuyển sang gây con giống, với giá bán 130.000-150.000 đồng một con bóc trứng.
Song, mới đây, trên địa bàn huyện đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nhân giống gà Hồ bằng cách thực hiện phối tinh nhân tạo. Tỷ lệ ấp nở trứng thụ tinh nhân tạo lên tới 80-90%. Một năm có thể nuôi từ 2 đến 3 lứa, cho năng suất cao hơn. Dự kiến trong năm tới, số lượng hộ và gà nuôi nhiều hơn so với năm nay.
Đánh giá về đặc sản này, ông Chung cho biết, gà Hồ không những làm nên thương hiệu của Bắc Ninh mà còn có tiềm năng phát triển kinh tế.
"Sắp tới, câu lạc bộ sẽ có các quy chế xây dựng thương hiệu cho gà Hồ, có nhãn mác sản phẩm… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đang được phổ biến tới bà con, năm tới, ngoài nuôi theo hộ để bảo tồn và nhân giống, song song đó gà Hồ cũng được đưa vào trang trại quy mô lớn để phát triển gà thương phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao", ông cho hay.
(Theo Zing)