Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Lê Như Tiến, kỳ vọng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là ‘người gác cổng’ ngân sách kiên quyết với các khoản chi lãng phí, không hợp lý và ‘tất toán’ được 3 món nợ: nợ công, nợ thuế và nợ bình ổn giá.
Các đại biểu Quốc hội hỏi rất thẳng và Bộ trưởng Dũng cũng đã trả lời thẳng thắn. Có nội dung đã xác định được rõ đó là trách nhiệm của ngành mình. Đặc biệt, hai vấn đề giá xăng dầu tại sao lại biến động liên tục và nợ công ông Dũng có những phân tích khá tốt, xác định trách nhiệm bài học, đúc rút kinh nghiệm để thực hiện công việc tốt hơn.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. (Ảnh: Minh Thăng)
|
Bên canh đó, nếu như Bộ trưởng nói nhiều hơn về giải pháp trong thời gian tới, hoặc đưa ra những lời hứa sẽ trở thành hiện thực trong tình hình Bộ trưởng đang chèo lái con thuyền ngân sách, tài chính quốc gia đang khó khăn hiện nay thì rất tốt. Các giải pháp khắc phục tam nợ như ý kiến chất vấn của tôi, là nợ công, nợ đọng thuế và nợ về bình ổn giá đối với người tiêu dùng thì phiên chất vấn sẽ hấp dẫn hơn và hiệu quả hơn.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về những điểm đã làm được và chưa được ở Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng?
Năm đầu tiên, đánh giá làm được hay chưa làm được thì còn hơn sớm. Ít nhất, qua báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về thu chi ngân sách thì thấy, đó là một báo cáo mạch lạc, có những thành tích chính là vượt thu.
Như dự báo trước đối với Quốc hội kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã dự báo hụt thu tới 25.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đã không hụt 25.000 tỷ và lại còn vượt thu thêm 6.000 tỷ, như vậy là vượt thu 31.000 tỷ so với dự báo.
Đó là thành tích của ngành tài chính nhưng nếu có dự báo đầy đủ hơn, chính xác hơn thì sẽ giúp Quốc hội duyệt phương án chi yên tâm hơn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn Quốc hội. (Ảnh: Minh Thăng) |
Cần giải trình thêm về nợ công
Với một lĩnh vực nóng thiết yếu là giá sữa, giá xăng dầu, cá nhân ông cảm thấy thế nào về cách điều hành của Bộ trưởng Dũng?
Giá nào cũng phải sát với thị trường, nhất là xăng dầu, hay sữa, ta chủ yếu là nhập, phụ thuộc biến động giá thế giới. Tuy nhiên, với mức biến động của giá thế giới luôn phức tạp thì cần có sự nhạy cảm hơn. Chẳng hạn như tính toán giá xăng theo chu kỳ ngắn hơn, từ 30 ngày xuống 15 ngày cho chu kỳ bình ổn giá. Việc điều hành giá đi theo hướng đó, tôi cho là hợp lý.
Đối với sữa, sau việc áp trần, giá sữa đã giảm xuống từ vài chục đến cả trăm ngàn là một thành công của Bộ Tài chính trong việc ổn định thị trường này. Đó là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chung và còn là bảo vệ đối với đối tượng đặc biệt là trẻ em, cần chăm sóc và bảo vệ.
Với vấn đề an toàn nợ công, trong khi các chuyên gia kinh tế lo ngại đã đến mức báo động, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vẫn khẳng định nợ công an toàn?
Tôi vẫn đang băn khoăn ở chỗ này. Khi tính đến nợ công, tỷ lệ so với GDP, đã tính cả bảo lãnh của Nhà nước đối với các doanh nghiệp chưa, nếu tính cả thì con số chắc chắn sẽ lớn hơn. Nếu tính cả các DN khác, một là đã đến hạn trả nợ, bên bờ vực phá sản, hoặc đang tái cơ cấu... thì sẽ khác.
Hiện nay có hai luồng ý kiến, một là nợ công của ta còn lớn hơn thế, theo các tổ chức quốc tế phân tích, đánh giá, một là về phía chúng ta, vẫn đánh giá là nợ công nằm trong ngưỡng an toàn.
Tôi mong muốn Bộ trưởng trong chức năng của mình, đăc biệt là trong hoạch định chính sách đối với nợ công và trả nợ công cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho Quốc hội, đồng thời, nên có các giải trình, phân tích thêm.
Ông kỳ vọng thế nào về điều hành của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thời gian tới?
Tôi có nhiều hi vọng nhưng hi vọng lớn nhất chính là cân đối thu chi ngân sách. Bộ trưởng phải điều hành sao thu đúng, thu đủ, chống thất thu, chi kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không chi những khoản không thấy cần thiết.
Đặc biệt, nếu như những mặt hàng, dịch vụ trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không duyệt chi mua hàng nước ngoài. Tôi được biết, có những ngành nhập phương tiện đi lại rất đắt tiền trong khi đó, trong nước có nhà máy sản xuất ô tô, sản xuất thiết bị cho đầu tư công... thì ta lại dễ dãi trong việc để cho họ nhập khi giá nhập đắt hơn 2- 3 lần.
Chúng ta nói Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì càng phải kiểm soát chi cho những mua sắm hàng ngoại để kích thích sản xuất trong nước.
Bộ Tài chính còn là cơ quan quản lý tài sản công càng phải kiên quyết trong vấn đề này. Nếu chính sách dễ dãi thì ngân sách thâm thủng chính từ những chỗ này.
Các đại biểu đã nói rất nhiều đến thắt lưng, buộc bụng, không chi những khoản đầu tư dàn trải, không có hiệu quả trước mắt và lâu dài. Bộ Tài chính giúp cho Chính phủ, cho Quốc hội như là người gác cổng kiểm soát chặt chẽ ngân sách.
Phạm Huyền (thực hiện)