Một máy bay F-15E Eagle của Không lực Mỹ đã rơi gần Benghazi, thương vong đầu tiên được xác nhận của liên quân trong chiến dịch lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya.



Xác chiếc máy bay chiến đấu Mỹ bị rơi ở Libya

Các phi công của chiếc chiến đấu cơ F-15E đã thoát chết phi thường sau khi máy bay bị trục trặc kỹ thuật vào đêm thứ 3 của các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của chính phủ Gaddafi. Chiếc F-15E cất cánh từ Aviano, Italia song rơi ở Bu Mariam, cách Benghazi khoảng 50km.

Xác máy bay sẽ được quân Mỹ phá hủy hoặc thu nhặt lại để ngăn ngừa nó rơi vào tay đại tá Gaddafi. Trong khi đó, các phi công Mỹ được một bác sĩ ở khu vực của lực lượng nổi dậy chăm sóc trước khi được một tàu Mỹ đón.

Vince Crawley, phát ngôn viên Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ xác nhận chiếc chiến đấu cơ trên đâm đầu xuống đất chứ không phải bị bắn hạ. Cả hai phi công đã bắn ra ngoài và chỉ bị thương nhẹ.

Sau khi máy bay chiến đấu Mỹ bị rơi, người dân địa phương đã đổ ra chào mừng song do một sự nhầm lẫn, 6 dân làng Libya đã bị bắn nhầm sau khi trực thăng Mỹ tới cứu các phi công của máy bay gặp nạn.




Trong 12h qua, Mỹ đã bắn khoảng 20 tên lửa hành trình Tomahawk vào Libya, một phát ngôn viên xác nhận. Như vậy, tổng số tên lửa Tomahawk mà Mỹ và Anh nã vào Libya kể từ đầu Chiến dịch Bình minh Odyssey - đêm 19/3, là 159 quả. "Chúng tôi cho rằng các chiến dịch không kích rất hiệu quả trong việc làm suy yếu khả năng kiểm soát lực lượng của Gaddafi", Tướng Carter Ham, tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ.

Cách đây vài giờ, lãnh đạo Libya Gaddafi đã có cuộc phản công trên bộ ở Liyba. Lực lượng của chính phủ Libya đã tấn công hai thành phố phía tây Libya, làm hàng chục người thiệt mạng. Một bác sĩ ở Misarata nói, xe tăng của quân đội trung thành với Gaddafi đi trên phố và các tay súng bắn tỉa kiểm soát xa lộ chính ở Misarata trong khi liên quân quốc tế không thực thi vùng cấm bay ở thành phố duyên hải này.

Người dân Libya mô tả một bức tranh ghê rợn về tình hình ở Misrata, thành phố nằm trong vòng cương tỏa của lực lượng trung thành với Gaddafi từ vài tuần qua. "Tình hình ở đây vô cùng tồi tệ. Xe tăng bắt đầu nã đạn khắp thành phố lúc sáng nay. Các tay súng bắn tỉa cũng có mặt. Một xe ô tô bị trúng đạn, làm 3 đứa trẻ trên xe, đứa lớn nhất 13 tuổi, thiệt mạng".

Nhà lãnh đạo Libya - đại tá Gaddafi lần đầu tiên xuất hiện sau các cuộc không kích của liên quân, thề sẽ chiến đấu tới cùng. "Cuối cùng chúng ta sẽ thắng", Gaddafi tuyên bố trước đám đông tại một căn cứ ở Tripoli. Bảo vệ cho căn cứ này, nhiều người trung thành với Gaddafi đã tình nguyện trở thành hàng rào sống khi buổi diễn thuyết được truyền hình trực tiếp trên tivi.



Hiện, quân của Gaddafi đang cố gắng giành lại kiểm soát ở thành phố Zintan, gần biên giới Tunisia, nơi đang thuộc quyền kiểm soát của quân nổi dậy. Một cư dân cho hay, 10 người thiệt mạng hôm qua và người dân đang tìm chỗ trú ẩn ở các hang động trong núi.

Quân nổi dậy ở đông Libya hôm 22/3 bị mắc kẹt bên ngoài thành phố Ajdabiyah, không thể tiến được vào địa điểm chiến lược này dù phương tây không kích liên tiếp làm quân Gaddafi phần nào bị tổn hại.

Khi được hỏi, tại sao quân nổi dậy không tận dụng cơ hội để tiến tới, Ahmed al-Aroufi, một chiến binh nổi dậy cho hay: "Gaddafi có xe tăng và tên lửa. Chúng tôi không dựa vào bất cứ ai, không phải Pháp, hay Mỹ, mà chỉ trông chờ vào Chúa. Chúng tôi bắt đầu cuộc chiến mà không có liên quân..Chúng tôi là những người tình nguyện. Không có kế hoạch gì". 

Do liên quân phương Tây từ chối triển khai bộ binh ở Libya nên hiện chưa rõ các nhóm quân phi tổ chức có đánh bật được xe tăng chính phủ khỏi các thành phố đông dân.

Washington, lo ngại bị kéo vào một cuộc chiến khác sau những chiến dịch dai dẳng ở Iraq và Afghanistan, đã bác bỏ việc thực thi kế hoạch lật đổ Gaddafi dù Pháp bày tỏ hy vọng chính phủ Libya sẽ sớm sụp đổ.

  • Hoài Linh (Theo Mail, AP, Reuters)