Theo một dự thảo, gái mại dâm ở Geneva, Thụy Sĩ có thể sẽ bắt buộc phải học các khóa học về luật mại dâm, các biện pháp bảo vệ sức khỏe và cách ứng xử với khách hàng. Sáng kiến này được đưa ra sau khi số lượng phụ nữ hành nghề này ở Geneva tăng lên.
“Các khóa học tập trung chủ yếu vào các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe. Nó là điều bắt buộc với tất cả những người hành nghề mại dâm mới đăng ký ở Geneva” – ông Nicolas Bolle, phó tổng thư ký cơ quan kinh tế vảo an ninh của Geneva chia sẻ.
Các khóa học sẽ được tổ chức hằng ngày trong vòng 90 phút. Ở đây, người học cũng sẽ phải học về nghĩa vụ với khách hàng của họ, với những người đang điều hành các salon mát-xa hay các cơ sở mại dâm.
“Họ phải học về luật mại dâm của Geneva, cách tính phí khách hàng, các biện pháp phòng ngừa, khám sức khỏe” – ông Bolle nói.
Ở Thụy Sĩ, mại dâm đã được hợp pháp hóa từ năm 1942. Khi tham gia một cách tự nguyện, nó được coi như một hình thức hoạt động kinh tế độc lập và thu nhập họ thu được phải chịu thuế.
Ý tưởng về các khóa học cho gái mại dâm ở Geneva được đề xuất do thiếu những người mới làm nghề thông tin về nghề nghiệp này.
Ông Bolle cho biết, do số lượng lớn người di cư nên khóa học sẽ được tổ chức hằng ngày ở 7 ngôn ngữ bởi các nhân viên xã hội và hoàn toàn miễn phí”.
Trong 5 năm qua, Geneva chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng gái mại dâm đến đây làm việc qua đường du lịch, chủ yếu tới từ Tây Ban Nha, Hungary, Pháp và Romania. Vào năm 2016, có 10.096 gái mại dâm chính thức đăng ký theo dữ liệu của cảnh sát Geneva.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 700-900 người hành nghề mỗi ngày – Bolle giải thích. Nhiều người chỉ thỉnh thoảng làm việc trong các cơ sở mát-xa trong khoảng 3 tháng và họ không báo với cảnh sát khi nghỉ việc. Và cũng không rõ là có bao nhiêu người hành nghề bất hợp pháp ở khu vực này.
Các khóa học cũng được kỳ vọng sẽ giúp những người hành nghề mại dâm biết cách giải quyết các vấn đề với khách hàng, cách giảm nguy cơ bạo lực và lan truyền các bệnh tình dục.
Nhân viên xã hội cũng sẽ cung cấp các thông tin để người lao động tránh tình trạng bóc lột và buôn bán người.
Được biết, dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 195.000 đô la Mỹ cho công tác chuẩn bị và một nửa số kinh phí đó để hoạt động mỗi năm. Dự án cần Quốc hội “bật đèn xanh” và quy trình này có thể mất ít nhất 1 năm.
- Nguyễn Thảo (Theo SWI)