Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, sáng 22/12, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc vớilãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bắc Giang về các nội dung thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái đàn lợn và công tác kiểm soát, vận chuyển lợn...

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế. Tổng đàn lợn của Bắc Giang hiện có 900 nghìn con, tập trung ở các trang trại khép kín, nuôi an toàn sinh học. Do đó, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Bắc Giang dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 tấn thịt lợn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân. Trong đó, 60% cung ứng ra thị trường các địa phương lân cận, bao gồm cả Hà Nội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cũng cho biết, tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp tập trung tái đàn lợn, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Phương thức chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tăng mạnh chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học. Phấn đấu đến tháng 6 năm 2020, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 1,1 triệu con.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra thực tế về nguồn cung thực phẩm và chuyện tái đàn lợn tại Bắc Giang

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch và hướng dẫn người dân tái đàn kịp thời đáp ứng nguồn cung thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bộ trưởng cho rằng, cách làm vừa qua của Bắc Giang đã linh hoạt trong định hướng cho người chăn nuôi lợn chuyển sang phát triển chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò, dê để thay thế đàn lợn trong thời điểm bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, đến nay, Bắc Giang không những đảm bảo đủ nguồn thực phẩm cho người dân trong tỉnh mà còn cung ứng ra các địa phương lân cận, trong đó có TP. Hà Nội.

Song, Bộ trưởng yêu cầu Bắc Giang cần đảm bảo công tác thương mại không để trục lợi, không để tình trạng găm hàng. Việc này có hại ngay cho người găm hàng vì người dân mà nuôi quá lứa thì hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Thứ hai là với thời tiết hiện nay, độ ẩm cao, mưa phùn gió bấc trong những ngày cuối năm và đầu năm mới xác suất rủi ro về dịch bệnh, không bệnh này thì bệnh khác rõ ràng là nguy cơ.

Chưa kể, ai cũng găm hàng thì đến một lúc nào đó thịt lợn "đổ giá" thì lỗ. Vì vậy, chuyện tăng sản xuất ngoài vấn đề an toàn dịch bệnh thì vấn đề thương mại phải hết sức chú ý để đảm bảo đúng quy luật thị trường, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Cường, giá cả là do quy luật của thị trường. Hiện các doanh nghiệp lớn là "hạt nhân" vì có 109 nghìn con lợn cụ kỵ, ông bà và một lượng rất lớn trong 2,5 triệu con lợn nái. Đây là những doanh nghiệp tổ chức thực hiện quy trình an toàn sinh học rất tốt. Việc giữ được đàn lợn hạt nhân và đàn lợn thương phẩm rất lớn là trách nhiệm của doanh nghiệp hạt nhân.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo về hậu quả của việc người dân, doanh nghiệp găm hàng đẩy giá thịt lợn lên quá cao

Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp hạt nhân không chỉ cung ứng những sản phẩm con giống, thức ăn tốt nhất mà phải còn làm chủ dẫn dắt về mặt thị trường theo phương án của thị trường. Theo đó, đừng đưa lên cái giá quá cao là "gậy ông đập lưng ông". Bởi nếu giá cao, quá người tiêu dùng sẽ lựa chọn thực phẩm khác. Đồng thời, khi giá quá cao thì hàng hóa nơi khác tràn vào, lúc đó chúng ta đánh mất thị trường ngay chính trên sân nhà.

“Thêm nữa, về quy luật kinh tế rõ ràng là càng kéo dài càng phi kinh tế về mặt tổng thể. Do đó chúng tôi khuyên là các doanh nghiệp nên tuân thủ đúng quy luật thị trường, phải gương mẫu làm chủ dẫn dắt không chỉ về các sản phẩm dịch vụ mà kể cả về giá đảm bảo đúng quy luật thị trường có lợi nhưng hợp lý”, Bộ trưởng nói.

Riêng về nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán và những tháng sau Tết, Bộ trưởng Cường cho biết đang có dấu hiệu rất tích cực. Các địa phương tập trung tái đàn, đa dạng nguồn thực phẩm như gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản,... Lượng hàng cung cấp từ nay đến Tết đang gia tăng. Hơn nữa, bà con đã ý thức qua bài học kinh nghiệm dịch tả lợn Châu Phi vừa qua nên khâu vệ sinh an toàn rất nghiêm ngặt, đặc biệt là việc xử lý môi trường. Điều đó chứng tỏ bà con đã nâng cao nhận thức nên tới đây việc tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, giảm bớt nguy cơ thiếu hụt thịt lợn dịp cuối năm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây chúng ta phải tính chiến lược mới cho năm 2020 trở đi bằng các nhóm giải pháp căn cơ, kể cả trước mắt và lâu dài, để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh gây ra, hoặc có xảy ra chúng ta cũng phải chủ động trước, không để rơi vào tình huống bất khả kháng.

Bảo Phương