Hơn 10 năm (2010-2022) cùng với các vùng khác, Tây Nguyên đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của toàn dân.
Tây Nguyên- vùng đất giàu tiềm năng và rộng lớn, có 54.474 km2 (bằng 16,8% diện tích cả nước), có hơn 5,5 triệu người (bằng hơn 6,1% dân số cả nước), là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của cả nước.
Theo thống kê của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thống kê đến hết năm 2020 Tây Nguyên có 265 số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 43,5%, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã, tuy thấp (cả nước 16,38 tiêu chí/xã) nhưng cơ bản hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên, nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới là hai chương trình trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mới Đảng, Nhà nước còn ưu tiên đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng, nhiều Chương trình an sinh xã hội khác làm cho kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên phát triển khá toàn diện.
Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002.
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hoá có sức hấp dẫn.
Giá trị văn hoá các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hoá lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất khi đến các buôn làng Tây Nguyên hôm nay chính là diện mạo nông thôn đã khởi sắc, những con đường đất đỏ bụi mù vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa đã thưa dần, kênh mương nội đồng được đầu tư nâng cấp. Những công trình nước sạch được đưa về tận thôn, buôn…
Đến nay gần 90% người dân dùng nước hợp vệ sinh; có 100% xã và 99,39% thôn, buôn có điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt hơn 95%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó có 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được toàn dân hưởng ứng, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được duy trì và phát huy thực sự là nền tảng, động lực để giáo dục thế hệ trẻ phát triển.
Giao thông đi lại ngày càng thuận lợi, đường hàng không có 3 sân bay đi các tỉnh, thành trong cả nước; đường bộ, hòa vào mạng đường bộ có độ dài hơn 40.000 km đã kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn trong cả nước.
Các tuyến quốc lộ qua Tây Nguyên có tổng chiều dài hơn 2.717 km, các tuyến liên tỉnh gần 2.035 km và hệ thống giao thông liên các cửa khẩu đã kết nối Tây Nguyên với nước Lào, Campuchia, Thái Lan... thuận tiện cho liên kết kinh tế, giao lưu văn hóa gắn bó với các nước trong khu vực. Đường Hồ Chí Minh và đường hành lang kinh tế Đông - Tây qua các vùng nông thôn gian khó trước đây.
Những thay đổi ấy đã tạo đà cho sự ấm no của khắp các buôn làng Tây Nguyên.
Yến Hưng