Kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp về công tác hỗ trợ pháp lý cho thấy lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được khảo sát quan tâm nhất là pháp luật về Hợp đồng (51%); pháp luật về thuế (50.8%), sau đó lần lượt là pháp luật về doanh nghiệp (40.1%) và pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội (40%)…

Phần lớn doanh nghiệp được khảo sát không có bộ phận pháp chế (chiếm 58.4%). Đối với doanh nghiệp có bộ phận pháp chế, chỉ 42.9% có nguồn nhân lực pháp chế hoạt động chuyên trách. Có 45.4% doanh nghiệp được khảo sát chưa từng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật. Lý do doanh nghiệp hạn chế sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật là do không có nhu cầu (32.3%) hoặc không đủ kinh phí (30.4%). 

cty An phu Viet.jpg
Hoạt động của doanh nghiệp cần được hỗ trợ pháp lý.

Tỉ lệ lớn doanh nghiệp được khảo sát cho biết thường tìm kiếm, cập nhật thông tin pháp lý thông qua các website tư nhân (47.2%), website của cơ quan nhà nước (47.5%), và phương tiện phát thanh, tuyền hình (41.6%); qua tổ chức dịch vụ pháp lý (34.3%). Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp tiếp cận các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước là không biết văn bản pháp luật mới ban hành (43.8%); không kiểm tra hiệu lực của văn bản (21.6%) và không hiểu nội dung của văn bản pháp luật (21.3%); không biết tìm văn bản pháp luật ở đâu (14.9%).

Đặc biệt, có 14.2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã từng có yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đáp ứng hoặc không được đáp ứng kịp thời.

Khảo sát về nhận thức chung của doanh nghiệp về chương trình hỗ trợ pháp lý, 58.9% doanh nghiệp được khảo sát chưa biết đến chương trình; 74.7% doanh nghiệp được khảo sát chưa tham gia hoạt động nào của chương trình; đại đa số doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục phát triển các hình thức hỗ trợ pháp lý (không có sự chênh lệch đáng kể giữa các hình thức hỗ trợ pháp lý khác nhau về mức độ ưu tiên phát triển).

Về giải pháp chung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý, doanh nghiệp được khảo sát cho rằng cần phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông để doanh nghiệp biết đến chương trình và các hoạt động của chương trình (76.4%); người làm công tác hỗ trợ pháp lý cũng cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận doanh nghiệp cần được hỗ trợ (50.7%).

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV