Nếu Quốc lộ 1A lọt TOP 10 Cung đường tử thần thế giới?

Tiêu chí để xác định “Cung đường tử thần” chủ yếu dựa vào độ hiểm trở của cung đường, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là số vụ tai nạn xảy ra và số người chết vì tai nạn giao thông trên cung đường đó hàng năm.

Theo đó, hầu hết cư dân địa cầu đều xác định 10 “Cung đường tử thần”  trên thế giới như: Đèo Khardung La, Ấn Độ; Đường cao tốc Dalton, Alaska, Mỹ; Đèo Zoji La, Ấn Độ; Đèo Hana, Hawaii; Đường cao tốc Kolima, Nga; Đường Yungas, Bolivia; Đèo Caucasus, Nga; Quốc lộ Tứ Xuyên - Tây Tạng, Trung Quốc...

Theo thống kê, các cung đường này hàng năm đều xảy ra nhiều vụ tai nạn, làm chết từ 200 - 400 người.

Đến nay, chưa ai xếp các cung đường Việt Nam nằm trong top 10 cung đường nguy hiểm nhất thế giới.

{keywords}
Tai nạn nghiêm trọng tại Km 1954 Quốc lộ 1A (thuộc phường Khánh Hậu, TP.Tân An - Long An) 6 người chết và 5 người bị thương nặng- ngày 11/5/2013

Theo số liệu thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 5.882 người chết.

Trong đó, lỗi chủ yếu là: 26% vi phạm làn đường, phần đường; 8,77% vi phạm tốc độ; 8,86 chuyển làn không chú ý; 5,97% vượt xe sai qui định...

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức từ Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nhưng theo thống kê của các địa phương có đến 46% các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở các tuyến quốc lộ, trong đó tuyến Quốc lộ 1A là cung đường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người nhiều nhất.

Thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên Quốc lộ 1A gần đây như: Vụ tai nạn xảy ra lúc 2:30 ngày 30/7/2018 giữa xe khách và xe Container tại Quốc lộ 1A, địa bàn xã Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam làm 13 người chết; Vụ Container tông 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ khiến 4 người chết vào lúc 15:20 ngày 02/01/2019 ở Ngã tư Bình Nhựt, Quốc lộ 1A, Bến Lức, Long An...

Quốc lộ 1A có chiều dài 2.360,040km từ Km0 ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến trung tâm huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Đây là cung đường quan trọng hàng đầu của Việt Nam đi qua hơn 1/2 tổng số tỉnh thành Việt Nam, nối liền 4 Thành phố lớn (Hà Nội, Đà Năng, Tp HCM, Cần Thơ).

Là tuyến đường huyết mạch của Việt Nam nhưng hạ tầng chậm được nâng cấp, chật hẹp, nhiều điểm đen, tốc độ di chuyển chậm... cộng thêm những áp lực từ tiêu cực của lực lượng thi hành công vụ, áp lực lợi nhuận, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông... đã làm cho cung đường này vốn đã nguy hiểm càng trở nên nguy hiểm hơn, dẫn đến cái chết của hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người mỗi năm.

Vì vậy, đừng quá ngạc nhiên nếu trong tương lai không xa, Quốc lộ 1A lọt vào Top 10 “Cung đường tử thần” trên thế giới!

Lời giải tổng thể: Thắt chặt sát hạch, bài trừ tiêu cực

Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên tuyến Quốc lộ 1A? 

Thứ nhất là cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc nối liền các địa phương dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A.

Thực tế, sau khi các tuyến cao tốc như: Tp. HCM – Trung Lương; Long Thành – Dầu Dây; Hà Nội – Lào Cai… đi vào hoạt động đã tạo nên sức bật phát triển cho nhiều địa phương, giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn.

Vì vậy, cần đẩy nhanh việc  xây dựng các tuyến cao tốc nối liền các địa phương dọc theo Quốc lộ 1A. Việc này cần phải làm gấp thay vì tập trung vào việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam. Vì tàu cao tốc với vận tốc di chuyển trung bình 250km/giờ, thích hợp chở người hơn là chở hàng hóa mà nhu cầu vận chuyển hàng hóa mới là quan trọng hơn trên tuyến Bắc – Nam.

Việc xây dựng các tuyến cao tốc nên giao cho cấp tỉnh, Thành phố  chủ quản sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với sự quản lý từ Bộ Giao thông vận tải.

Thứ hai là  quản lý chặt việc cấp giấy phép lái xe hạng cao, đặc biệt là các hạng xe siêu trường, siêu trọng hạng từ hạng D trở lên.

Hiện nay, do du cầu phát triển của ngành giao thông vận tải kéo theo nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng cao từ hạng D trở lên rất cao. Việc sát hạch cấp giấy phép lái xe được giao cho cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an.

{keywords}
 Tài xế xe container chịu áp lực công việc, dễ vướng vào tệ nạn (ảnh: theo báo Tiền phong)
{keywords}
Tài xế đường dài với lon bia bên cạnh (ảnh: Theo báo Tiền phong)

Mặc dù đã có nhiều cải tiến về công tác đào tạo, quản lý, cấp phép nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định xuất phát từ sự tắc trách, thậm chí là tiêu cực của người quản lý, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Để hạn chế tiêu cực, không chỉ tăng cường công tác thanh tra, giám sát mà cần phải truy xét trách nhiệm của những người quản lý, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Chẳng hạn, khi xử lý vi phạm của lái xe, nếu lỗi do khâu sát hạch cấp giấy phép lái xe phải truy xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân quản lý, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Thứ ba là quản lý thiết bị giám sát hành trình, giám sát thời gian điều khiển phương tiện giao thông của người lái xe.

Từ năm 2011, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình đạt qui chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Việc lắp đặt đã được thực hiện đồng bộ nhưng việc quản lý chủ yếu giao chủ doanh nghiệp chỉ đến khi xảy ra tai nạn giao thông mới thấy cơ quan chức năng công bố thông số giám sát hành trình.

Lúc này mọi sự đã rồi, nên chăng có qui định xử phạt tài xế lái xe qua thiết bị giám sát hành trình sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của tài xế.

Thứ tư là chấn chỉnh, hạn chế tối đa tiêu cực 

Hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của người điểu khiển phương tiện giao thông kinh doanh vận tải trên tuyến Quốc lộ 1A là rất phổ biến nhưng nếu không bị xử lý nghiêm minh, thậm chí có 1 số trường hợp có sự tiếp tay tiêu cực của lực lượng chức năng thì hậu quả khôn lường.

Nhiều bài báo đã từng phản ánh tình trạng “mua đường”, mãi lộ… Điều đó không chỉ gây áp lực cho chủ doanh nghiệp, tài xế về lợi nhuận mà còn tạo nên ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ kém của tài xế.

Nhiều người nghĩ rằng ai cũng vi phạm, nếu vi phạm vẫn có thể “xin” được nên sẽ tiếp tục vi phạm. Theo đó, các cơ quan thanh tra cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sức mạnh quần chúng, cơ quan báo chí, người tham gia giao thông tố cáo hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khi lực lượng thi hành công vụ xử lý nghiêm hành vi vi phạm, người điều khiển phương tiện giao thông chắc chắn sẽ không muốn và không dám thực hiện hành vi vi phạm Luật.

Thứ năm, cần xem xét bổ sung, điều chỉnh Luật, xác định hành vi sử dụng ma túy là hành vi phạm pháp hình sự.

Sau vụ container tông 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ khiến 4 người chết vào lúc 15:20 ngày 02/01/2019 ở Ngã tư Bình Nhựt, Quốc lộ 1A, Bến Lức, Long An..., một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin phản ánh của các nhà quản lý, chuyên gia, “người trong cuộc” (tài xế lái xe đường dài) và vội vàng đưa ra kết luận và đề xuất như: 80% tài xế lái xe đường dài sử dụng ma túy; Cần xử lý trách nhiệm của chủ doanh nghiệp khi tài xế gây tai nạn giao thông nghiêm trọng….

Theo tôi, những nhận định và đề xuất trên mang tính cảm tính, thiếu căn cứ thực tiễn. Thực tế, chưa có số liệu thống kê, vẫn có rất nhiều tài xế đường dài có đạo đức, lối sống, phẩm chất nghề nghiệp, chấp hành Luật giao thông tốt…

Nếu vội vàng nhận định, kết luận sẽ tạo nên sự “ám thị xã hội”, làm cho bất kỳ ai đã, đang và sẽ làm công việc lái xe đường dài đều cho rằng sử dụng ma túy là việc phổ biến, sẽ rất nguy hiểm.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy (vốn khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay), để tài xế lái xe đường dài không sử dụng ma túy trước hết cần điều chỉnh Luật, xác định hành vi sử dụng ma túy là hành vi phạm pháp hình sự, quản lý người nghiện theo một cơ chế khác, không phải xác định họ là “bệnh nhân” như hiện nay.

Khi hành vi sử dụng ma túy được xác định là hành vi phạm pháp hình sự sẽ tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho các cơ quan sát hạch, cấp giấy phép lái xe, lực lượng chuyên trách xử lý kịp thời, ngăn chặn không để “người nghiện” cầm lái, “hung thần xa lộ” như hiện nay.

TS Đoàn Văn Báu (Chuyên gia tâm lý học tội phạm)

Trân trọng mời bạn đọc gửi bài viết, hình ảnh, video về email: otoxemay@vietnamnet.vn hoặc gửi ý kiến phản hồi dưới bài viết này.

Lái xe ‘phê’ ma tuý khác nào thần chết cầm lưỡi hái tử thần

Lái xe ‘phê’ ma tuý khác nào thần chết cầm lưỡi hái tử thần

-Tình trạng tài xế lấy ma túy để “tỉnh táo” ôm vô lăng đang trở nên báo động, khi có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do tài xế “phê” ma túy.