Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đời sống nhân dân được cải thiện.
Đặc biệt, chương trình xây dựng xã/huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, với những tiêu chí thiết thực như: Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia BHYT; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử... giúp người dân được tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BHYT tại nơi gần dân nhất.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT là một trong những tiểu tiêu chí quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tiêu chí y tế (tiêu chí số 15 và 14) trong Bộ tiêu chí xây dựng xây dựng xã, huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội. Tham gia BHYT có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội, nhất là đối với những gia đình có thu nhập thấp khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
Theo quy định, để đạt xã, huyện nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia BHYT (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc phải từ 95% trở lên.
Với ý nghĩa nhân văn đó, ở Vĩnh Phúc, tại các xã được đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong vận động người dân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Năm 2022 huyện Tam Dương có 3 xã Hoàng Hoa, Hợp Thịnh, Vân Hội được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao; Năm 2023, các xã Đạo Tú, Duy Phiên, Thanh Vân là những xã thuộc huyện Tam Dương phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao của huyện.
Theo thống kê của BHXH huyện Tam Dương, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn một số xã có tỷ lệ bao phủ BHYT chưa đạt, trong đó có 3 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao. Đơn cử, xã Đạo Tú mới đạt 93,6%; xã Duy Phiên 93,9%; Thanh Vân 93,8%...
Để đạt được chỉ tiêu trên, huyện Tam Dương và các xã đã vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới, gắn với vận động người dân tham gia BHYT, BHXH; đặc biệt đã phối hợp với cơ quan BHXH huyện tổ chức Hội nghị truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Người dân được tuyên truyền, tư vấn hiểu quyền và lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT; lợi ích thiết thực của BHYT trong chăm sóc sức khỏe, bên cạnh đó tham gia BHYT để giảm gánh nặng về chi phí khi đi khám chữa bệnh…
Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT được các cấp, ban, ngành, đoàn thể, địa phương ở huyện Tam Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, giúp các xã hoàn thành và giữ vững tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Tiến sĩ Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết đến hết tháng 11 năm 2023, toàn tỉnh có 1.136.494 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,9% dân số.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách đối với người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Phúc đã chi ngân sách gần 112 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho gần 940.000 người. Để phục vụ tốt người dân tham gia bảo hiểm, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, triển khai ứng dụng VssID cho 100% người tham gia BHXH, BHYT.
Theo Tiến sĩ Trung, việc người dân thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có tích hợp thẻ BHYT, sử dụng ứng dụng VssID thay cho xuất trình BHYT giấy thông thường đã giúp người dân lưu trữ giấy tờ trong hồ sơ cá nhân, tăng tính bảo mật và an toàn, tạo nên sự thuận tiện cho trải nghiệm và quá trình tra cứu.
Cũng theo Tiến sĩ Trung, mạng lưới y tế cơ sở ở Vĩnh Phúc tiếp tục củng cố và hoàn thiện. 136/136 trạm y tế có bác sĩ làm việc; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện theo các tiêu chí thuộc chương trình nông thôn mới. Đến nay, trên 96% tỷ lệ người dân được khám và quản lý sức khỏe cá nhân, ông Trung cho hay.
Tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; duy trì 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 4/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô tiếp tục hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh.