Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố nghị quyết của Hội đông quản trị (HĐQT) về việc thoái vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre (HBT) và thoái một phần vốn tại CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF).

Theo đó, Thủy sản Hùng Vương sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Chế Biến Thủy Sản Hùng Vương với tổng giá trị là 180 tỷ đồng (tương đương 90% vốn sở hữu). Bên cạnh đó, HVG cũng thoái một phần vốn cổ phần của tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF). Hiện HVG nắm giữ gần 22,4 triệu cổ ph ần AGF (79,58%) và dự kiến thoái xuống dưới mức 50%.

HVG cũng vừa bất ngờ báo kết quả kinh doanh soát xét nửa đầu năm (niên độ 01/10/2018-31/3/2019) từ lãi 25 tỷ thành lỗ hơn trăm tỷ đồng do giá vốn bán hàng tăng mạnh thêm 400 tỷ đồng. HVG ghi nhận khoản vay 600 tỷ quá hạn thanh toán tại VCB.

Thông tin kết quả kinh doanh yếu kém khiến Thủy sản Hùng Vương tiếp tục rơi vào khó khăn chưa có lối thoát. 

{keywords}
Thủy sản Hùng Vương tiếp tục bán tài sản.

Trước đó, Thủy sản Hùng Vương gặp cú sốc với kết quả đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ khi bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản. Mức thuế mà HVG bị áp là: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Hàng loạt các thông tin tiêu cực đã ảnh hưởng mạnh tới giá cổ phiếu HVG.

Trong phiên giao dịch 12/6, HVG tiếp tục giảm sàn 6,9% xuống 3.250 đồng/cp.

Cổ phiếu HVG hiện đang ở vùng đáy 1 năm qua và đã bốc hơi tổng cộng khoảng 60% kể từ giữa tháng 4, tương đương vốn hóa doanh nghiệp bốc hơi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thủy sản Hùng Vương đã tái cấu trúc mạnh mẽ trong khoảng 2 năm gần đây, bán nhiều tài sản. Tuy nhiên, khối nợ của HVG vẫn còn khá lớn. Đây là hậu quả của việc đầu tư dàn trải trong vài năm trước đó.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng đang gặp khó khăn do mức thuế vào Mỹ cao như: NTSF Seafood (1,37 USD/kg), C.P Vietnam; CL-Fish; Green Farms Seafood, Vinh Quang Corp. (1,37 USD). Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg. 

{keywords}
Ông Dương Ngọc Minh.

Trong khi đó, thủy sản vào Trung Quốc cũng không còn dễ như trước do đồng Nhân dân tệ tụt giá không ngừng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng. Đồng Nhân dân tệ hôm 12/6 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm và đang đe dọa ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn ảm đạm khiến VN-Index tiếp tục giảm điểm. Áp lực bán xuất hiện ở cả những cổ phiếu blue-chips như Vinhomes, Sabeco, GAS, PNJ…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. VN-Index được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại khi giảm về vùng hỗ trợ quanh 950 điểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số tiếp tục phá vỡ vùng hỗ trợ trên thì nhiều khả năng thị trường sẽ quay lại kiểm tra vùng đáy 930-940 điểm một lần nữa trong ngắn hạn. Thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn đang đứng ngoài để chờ đợi mặt bằng giá cổ phiếu giảm về mức hấp dẫn hơn.

Về diễn biến các dòng cổ phiếu, nhóm ngân hàng và dầu khí có thể sẽ vẫn chịu áp lực điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp nhưng BVSC kỳ vọng các cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này sẽ có sự hồi phục khi lùi về quanh vùng giá thấp nhất trước khi hồi phục. Các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ chịu nhiều áp lực và dự kiến sẽ biến động trong biên độ hẹp trước kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/6, VN-Index giảm 7,8 điểm xuống 954,17 điểm; HNX-Index giảm 0,38% xuống 103,56 điểm và Upcom-Index giảm 0,1% lên 55,07 điểm. Thanh khoản đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 2,5 ngàn tỷ đồng.

V. Minh