Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định cần sớm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 41 của Chính phủ về ưu đãi, thúc đẩy phát triển CNTT tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2016 của Bộ TT&TT chiều 6/6, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan như Vụ CNTT, Vụ Pháp chế... tập trung nguồn lực, xây dựng các văn bản thực hiện Nghị quyết quan trọng nói trên. Chẳng hạn như xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm dịch vụ phần mềm và nội dung số để trình Bộ trong tháng 8/2016. Ngoài ra, Vụ CNTT cũng chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể đối với một số hoạt động dịch vụ phần mềm quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và trình Chính phủ phê duyệt; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2016 của Bộ TT&TT.

Đồng thời, Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT, Vụ Thông tin cơ sở cần phối hợp với cơ quan Thuế để tập trung tuyên truyền những giải pháp về thuế được quy định trong Nghị quyết 41 tới doanh nghiệp, người dân và xã hội.

Được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 26/5 vừa qua, Nghị quyết 41 đã bổ sung hàng loạt chính sách ưu đãi thuế quan trọng để thúc đẩy việc phát triển, ứng dụng CNTT nội địa như bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng được giảm 50%.

Đối với các giải pháp ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Nghị quyết 41 nêu rõ, bổ sung các hoạt động CNTT cần đặc biệt khuyến khích là: sản xuất và dịch vụ phần mềm; dịch vụ thiết kế, tư vấn CNTT; dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ quản lý, duy trì hệ thống CNTT (ứng dụng, mạng, thiết bị); dịch vụ thuê ngoài hệ thống CNTT; dịch vụ bảo mật hệ thống thông tin không sử dụng mật mã dân sự; dịch vụ xử lý, khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu; dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng; dịch vụ trung tâm dữ liệu Data center; dịch vụ thuê ngoài BPO, KPO cho xuất khẩu; dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử...

Giảm giấy phép con, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Cũng tại Hội nghị, người đứng đầu ngành TT&TT nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản quản lý, tạo hành lang pháp lý "chặt chẽ nhưng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động".

"Đề nghị các đơn vị rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật để có thể hoàn thiện các quy định trong thời gian sớm nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng soạn thảo, đáp ứng các yêu cầu về độ khả thi, thực tế", Bộ trưởng yêu cầu. Thậm chí tới đây, Bộ TT&TT có thể học theo Văn phòng Chính phủ nêu tên những đơn vị còn nợ đọng văn bản.

"Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ, việc xây dựng thể chế rất quan trọng. Các đơn vị cần dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, tránh nợ văn bản, chỉ có như vậy thì Luật mới có thể sớm đi vào cuộc sống", ông nói.

Một số văn bản quan trọng mà Bộ TT&TT cần tập trung hoàn thiện, xây dựng trong thời gian tới là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng, thi hành Luật Báo chí mới; hay chính sách quản lý thuê bao trả trước, các chính sách đảm bảo phát triển thị trường viễn thông một cách bền vững;

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, giảm bớt giấy phép con, cơ chế xin-cho.... Về phần mình, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần phải đẩy mạnh SXKD theo kế hoạch đã được phê duyệt, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ cung cấp tới người dân, xã hội.

Bên cạnh đó, các công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của ngành TT&TT cần tiếp tục được làm mạnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng nêu rõ. "MobiFone cần triển khai tốt các đầu việc của cổ phần hóa, các doanh nghiệp còn lại làm tốt khâu thoái vốn, tập trung nguồn lực cho những mảng SXKD lõi".

Trọng Cầm

"Nhiều nơi bán dạo cả SIM kích hoạt sẵn"

Người đứng đầu ngành TT&TT rất bức xúc trước tình trạng nhiều đại lý phớt lờ quy định của cơ quan quản lý, vẫn tiếp tục bán SIM kích hoạt sẵn dù thuê bao chưa đăng ký thông tin.

Phát biểu trong Giao ban QLNN tháng 5/2016 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TT&TT, nhất là với những mảng như quản lý thuê bao trả trước, game trực tuyến, thông tin điện tử...

"Bộ đã ban hành Chỉ thị 11 về bảo vệ bí mật thông tin người dùng và nghiêm cấm việc đăng ký, kích hoạt SIM sai quy định. Thế nhưng chính tôi đã bắt gặp nhiều người đi bán SIM dạo cả rổ, trong đó có nhiều SIM đã kích hoạt từ bao giờ dù chưa ai dùng", ông than phiền. "Đề nghị tất cả các đơn vị liên quan lưu tâm đến việc này, cần phải chấn chỉnh ngay".

Ông cũng đặc biệt yêu cầu Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện chính sách quản lý thuê bao trả trước, giao Thứ trưởng Phan Tâm trực tiếp phụ trách, đôn đốc, chỉ đạo vấn đề này để tình hình sớm cải thiện, đảm bảo thị trường có thể phát triển bền vững.

Ban hành tháng 3 vừa qua, Chỉ thị 11 quy định rõ: những hành vi thu thập, phát tán, sử dụng và kinh doanh trái phép thông tin cá nhân người dùng dịch vụ viễn thông, cũng như hành vi mua bán, lưu thông ra thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dù chưa đăng ký thông tin thuê bao sẽ bị tăng nặng mức phạt để "răn đe".

Thanh tra Bộ thậm chí còn được giao nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung Nghị định 174/2013 của Chính phủ, theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt để "nâng cao tính răn đe, phòng ngừa" đối với các hành vi thu thập, sử dụng, phát tán và kinh doanh trái phép thông tin cá nhân người dùng dịch vụ viễn thông; mua bán lưu thông SIM đã được kích hoạt sẵn khi chưa đăng ký thông tin thuê bao.

Nhà mạng cũng được yêu cầu phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn các tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, các điểm đăng ký thông tin thuê bao (của DN và của các tổ chức, cá nhân được ủy quyền) nghiêm túc chấp hành các quy định không mua bán, lưu thông SIM đã kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo đúng quy định. Nhà mạng nào vi phạm có thể sẽ bị xử phạt, công khai lên báo chí.

Nhiều ý kiến đề xuất rằng, để hạn chế tình trạng này, cần tăng nặng cả mức phạt dành cho các đại lý, tổng đại lý bán SIM, đồng thời nhà mạng cần có hệ thống kiểm tra, xác thực thông tin thuê bao đăng ký, tránh tình trạng khai ẩu, khai gian, khai không chính xác hiện nay.

T.C