Công ty Cổ phần xây lắp Bưu điện:
Gây dựng từ bàn tay trắng
Thành lập cách đây 8 năm, từ 19 kỹ sư xây dựng với bàn tay trắng: Không vốn, không trụ sở, không nhân lực, chỉ cái có duy nhất là tri thức và lòng nhiệt huyết, đến nay, Công ty Cổ phần xây lắp Bưu điện (XLBĐ) đã có cơ ngơi khá đàng hoàng với hơn 200 công nhân, kỹ sư, doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm…
Biến không thành có
Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Trần Đức Phú kể: Năm 1998, với quy định mới trong xây dựng là không cho phép công ty tư vấn trực tiếp thực hiện việc xây dựng, vậy là 19 anh em kỹ sư đang công tác tại Xí nghiệp xây lắp, Công ty Tư vấn xây dựng và phát triển bưu điện (TVXD&PTBĐ) bị thất nghiệp. Sau nhiều lần ngồi với nhau bàn tính kế sách, anh em đi đến thống nhất phải thành lập một công ty xây dựng riêng cho mình và chọn theo mô hình cổ phần. Được lãnh đạo Công ty TVXD&PTBĐ ủng hộ, góp 1 tỷ đồng, một phần khác, anh chị em tích cực đi vay mượn, vốn được 3 tỷ đồng. Sau đó một thời gian, VNPT góp thêm 2 tỷ đồng nữa, thành vốn của Công ty là 6 tỷ đồng. Công ty cổ phần XLBĐ đã ra đời như vậy.
Ra đời từ vốn góp của các thành viên, Công ty không được hưởng các chế độ, chính sách cổ phần hoá như miễn thuế thu nhập 3 năm, tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Thách thức ban đầu rất lớn, lãnh đạo Công ty quyết định hướng đi có tính chiến lược là không đầu tư rộng, mà chỉ đầu tư vào chiều sâu của xây lắp các công trình viễn thông.
Khó khăn về tài chính là vốn không đủ để tham gia thực hiện các dự án lớn. Tuy nhiên, vấn đề này được lãnh đạo Công ty giải quyết bằng việc phát hành tín phiếu trong nội bộ Công ty. Đây vừa là nguồn vốn giúp Công ty tham gia các dự án lớn, vừa tăng thu nhập cho anh em. Một kênh huy động khác mà Công ty thường xuyên thực hiện là vay tín dụng. Với 6 tỷ vốn ban đầu, sau 8 năm hoạt động, vốn của Công ty đã tăng lên 24 tỷ, đó là chưa kể giá trị trụ sở khoảng hơn 30 tỷ. Doanh thu bình quân năm của Công ty đạt gần 100 tỷ đồng, trong đó lợi tức cổ đông luôn đạt 18%/năm.
Chiến lược xây dựng thương hiệu
Chất lượng, tiến độ, tâm và tín… là sách lược xây dựng thương hiệu mà Công ty xác định ngay từ khi thành lập. Phó Giám đốc điều hành Công ty Phí Văn Ngoạn cho biết: “Xây dựng thương hiệu đã khó, trong lĩnh vực xây lắp lại khó hơn nhiều. Thực tế, để đánh giá một công trình xây lắp đạt chất lượng hay không, công trình này hơn công trình khác không khó. Nhưng để hiểu được vì sao lại như vậy thì không hề đơn giản. Trong ngành xây lắp, muốn có thương hiệu thì trước hết anh phải có tâm với nghề. Vì có chữ tâm mới tổ chức thi công đạt chất lượng và đảm bảo tiến độ…”. Với sách lược xây dựng thương hiệu như vậy nên khi thắng thầu thi công công trình nào, công ty đều quyết tâm bằng mọi giá phải đảm bảo chất lượng tốt nhất và tiến độ nhanh nhất. Thời gian gần đây, công ty đã có những khách hàng ngoài VNPT như Viettel, Hanoi Telecom...
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực xây lắp các công trình viễn thông ngày càng gay gắt. Nhiều công ty xây dựng tư nhân đã điều chỉnh lại giấy phép kinh doanh, tham gia lĩnh vực xây lắp bưu điện. Các công ty này thường đấu thầu với giá rất thấp để có “hồ sơ kinh nghiệm”. Để có thể thắng lợi trong cạnh tranh, Công ty XLBĐ không chủ trương tăng sản lượng, mà tiến hành các chiến lược đào tạo nhận lực, mở rộng việc tiếp thị sản phẩm xây lắp có yêu cầu kỹ thuật cao. Công ty đã liên doanh với các công ty xây lắp nước ngoài, đào tạo nhân lực để trở thành nhà thầu xây lắp cho các hãng sản xuất thiết bị viễn thông nước ngoài tại thị trường VN.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Trần Đức Phú cho biết, hiện anh và hai Phó Giám đốc, một Giám đốc xí nghiệp đang theo học thạc sĩ quản lý kinh tế liên danh với các trường ĐH của Hoa Kỳ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. “Muốn thành công, điều đơn giản nhất ai cũng biết là phải có tri thức. Việt Nam đã vào WTO – đã ra biển lớn. Ra biển lớn sóng dữ hơn, và gió cũng to hơn, nên người cầm quân phải vững tay chèo hơn...”, anh Phú nói. Không chỉ có lãnh đạo Công ty, mà CBCNVC ở Công ty, ai có ý định theo học nâng cao trình độ, lãnh đạo Công ty đều ủng hộ bằng cách hỗ trợ kinh phí. Vì vậy, ở Công ty, hơn 200 CBCNVC thì có đến 2/3 là trình độ ĐH và có 30 người đang học thêm các chương trình đào tạo ĐH, thạc sĩ, ngoại ngữ.
Đầu tư chiều sâu, đặc biệt là đầu tư cho phát triển nhân lực, kỹ thuật và trang thiết bị là chiến lược để tồn tại và cạnh tranh, cũng là chiến lược xây dựng thương hiệu xây lắp của Công ty trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.
Trọng Hoàng