Sau khi VietNamNet phản ánh tình trạng nhiều tài xế đậu xe “bịt kín” lối ra vào của hộ dân ven đường, khiến cho họ không có lối ra, phải bắt taxi đi làm, nhiều độc giả đã gửi ý kiến chia sẻ.
Bạn đọc Trần Hồng Phúc cho hay, chị rất đồng cảm sau khi đọc bài viết: “Ô tô đỗ chắn cửa, chủ nhà “cắn răng” gọi taxi đi làm”, bởi chị cũng đã rơi vào hoàn cảnh tương tự.
“Nhà tôi có mặt tiền nhỏ xíu để ra vào, dắt xe lên xuống... mà đôi khi tài xế ô tô đỗ chắn nguyên một ngày”, bạn Trần Hồng Phúc chia sẻ.
Bạn Trần Huyền Trang cho hay, ra được cửa để gọi taxi là còn may mắn, bởi: “Nhiều nhà trái ngang tới mức bị chặn cửa không thể ra ngoài được”.
Bạn đọc tên Bình nêu ý kiến: “Thiếu gì chỗ đậu, mình chỉ mất chút tiền cho anh em bảo vệ trông xe cho an toàn. Không nên đỗ xe kiểu bất chấp, kẻo khi gặp kẻ phá hoại thì chủ xe biết trách ai?”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Đình Nội nhìn nhận, nhiều người có tiền mua ô tô, nhưng lại thiếu ý thức khi đỗ xe trước cửa nhà dân gây nhiều phiền toái và bức xúc.
Bạn Hoàng Hà Nhiên cũng lo lắng: “Nhà bỗng dưng bị chắn ngang sẽ phải làm thế nào nếu xảy ra tình huống gấp như cứu hoả, cấp cứu…”.
“Đỗ xe chắn lối đi, khi gặp trường hợp xảy ra hoả hoạn sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy, chưa nói đến việc cản trở giao thông, sinh hoạt cho người dân ở nơi đó. Rất mong nhà nước có những quy định chi tiết về việc đỗ xe nơi công cộng, đường phố, khu dân cư hoặc có những chế tài... để xử lý những vấn đề trên”, bạn đọc Mai Trường Sơn kiến nghị.
Cần có chế tài cứng rắn
Ở một góc độ khác, bạn đọc Bảo Linh chia sẻ: “Nói đi thì cũng phải nói lại... Không ít hộ kinh doanh ở mặt đường ngang nhiên cho rằng, vỉa hè, lòng đường trước nhà họ thì người khác không được dừng, đỗ”.
Bạn đọc có tên Mộc Họ Quỳnh cho rằng: “Việc đỗ xe như hiện nay là đúng, trường hợp bị chắn cửa không ra được là quá hiếm! Có nhiều nhà để biển “cấm đậu xe” trước nhà thật thiếu hiểu biết luật và không biết ngượng!”.
Bạn Lap Chan lập luận: “(1), Tài xế không sai trong trường hợp khu vực trên không có biển cấm đậu, cấm dừng và các trường hợp cấm đậu khác. (2) Tất cả xe đều đã đóng phí lưu thông trước trên các nẻo đường quốc gia ít nhất 1 năm. (3) Tất cả giấy chủ quyền nhà đất đều chỉ rõ họ chỉ sở hữu trong phạm vi diện tích của họ thôi. Do đó, trong mọi trường hợp là tuyên truyền ý thức tôn trọng, nhường nhịn và cư xử có văn hóa với nhau.
Bên Singapore, nhà nước quy hoạch rất rõ ràng nơi nào được phép đậu xe, nơi nào được phép đón, trả khách kể cả xe tư nhân lẫn xe taxi, hoàn toàn không có việc taxi đón khách và trả khách trên đường phố".
Bạn Tran Nguyen Nam Anh nhìn nhận: “Tóm lại là, đậu xe trước cửa nhà người khác vẫn chưa bị phạt nên người ta vẫn cứ đậu”.
Bạn Huy cho hay: "Tôi lượn một lượt không tìm được chỗ đậu xe. Nếu Nhà nước không cấm, cớ gì lại bắt tôi không được đỗ xe trên vỉa hè, trước nhà dân? Không cấm thì dù trái ngang tôi vẫn làm”.
Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, bạn đọc Ngô Ngọc Thuỷ chia sẻ: “Quan trọng là ý thức của mỗi người. Người nào cũng có ý thức nhường nhau chút, xếp xe ổn thoả chút thì mọi việc sẽ thoải mái, vui vẻ hơn nhiều!”.
Bạn đọc Trần Công Oánh nêu: "Đậu xe phải có ý thức" nhích lên, nhích xuống chừa cho người dân 1 lối, đậu xe văn minh là cái ai cũng cần. Tài xế cũng cần để ý, tránh va chạm gây tranh cãi”.
Tuy nhiên, bạn đọc TenvaHo cho rằng, nhà nước nên cấm đậu xe dưới lòng đường vì đường làm ra để lưu thông. Việc đậu xe dưới lòng đường là cản trở giao thông trong khi tình trạng kẹt xe đang là nhức nhối.
Trước việc không ít người đã ứng xử thiếu văn minh, bạn đọc tên Minh cho rằng, cần có quy định, chế tài cứng rắn, đỗ xe chắn nhà người khác thì chủ nhà có quyền gọi xe cẩu đi, các chi phí phát sinh liên quan để lấy xe về thì chủ xe phải chịu. “Dù hơi cực đoan nhưng chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể tình trạng đỗ xe tùy tiện. Khi ô tô ngày càng nhiều nhưng ý thức của chủ xe không tăng tương ứng thì tình trạng này sẽ còn dài dài”, bạn đọc Minh nêu quan điểm.
Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ, ở Úc thi cấp giấy phép lái xe có quy định không được phép dừng đỗ xe quay đầu xe trước lối ra vào nhà, nhưng ở ta không đưa vào luật.
Chính vì thế, bạn đọc Hoàng Hải Cần cho rằng, cần rà soát và khẩn trương bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề nhức nhối này...
Lê Vinh Phan Mỹ cũng cho rằng: “Các nước phát triển đều có cảnh báo tow-away (hình thức lực lượng chức năng kéo những xe đỗ vi phạm) khắp nơi. Luật chung là cấm đậu xe chắn lối đi, cửa. Luật Việt Nam theo tôi là cần chỉnh sửa chi tiết hơn”.