Chiếu Cà Mau nổi tiếng một thời

“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào”. Câu hát nổi tiếng ấy nhắc nhớ rất nhiều đến những làng nghề dệt chiếu thủ công ở Cà Mau vang bóng một thời.

Hàng chục năm trước, chiếu Cà Mau đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh và cả vùng đất Sài Gòn hoa lệ.

{keywords}
Làng chiếu Tân Thành ở thời hưng thịnh, mỗi hộ có thể dệt vài trăm đôi chiếu trong mùa Tết.

Từ những nguyên liệu như lác, dây đay, dây bố…được nhuộm nhiều màu sắc, những người thợ đã dệt nên những tấm chiếu đẹp mắt, tinh xảo và có độ bền cao. Nhiều người cho rằng, nằm trên chiếu Cà Mau, chúng ta sẽ cảm thấy “mát rượi” khi trời nóng bức và “ấm áp” khi trời mưa sa gió lạnh. Hơn thế, chính mùi thơm dìu dịu từ cây lác, sợi đay tạo ra một cảm giác rất dễ chịu.

Nói đến nghề dệt chiếu truyền thống ở Cà Mau, phải kể đến chiếu Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi); chiếu Tân Lộc (huyện Thới Bình); chiếu Tân Thành (TP Cà Mau).­­­

Trong đó, với vị trí gần trung tâm TP Cà Mau, làng chiếu Tân Thành nhộn nhịp hơn hết. Cứ đến mùa Tết thì nhà nhà ở xóm chiếu lại tất bật công việc để kịp hàng cung ứng cho thị trường.

Theo những người lớn tuổi ở địa phương, mấy chục năm trước, cứ dệt xong chiếu, người ta sẽ đem ra vựa ở TP Cà Mau bán, mà không cần hẹn trước. Bởi chỉ cần là chiếu Tân Thành thì thương lái sẽ mua ngay.

Những ngày giáp Tết, xuồng ghe ở các bến sông nối từ Tân Thành ra đến TP Cà Mau dập dìu chở chiếu đem bán. Sau đó, những đôi chiếu đẹp mắt được thương lái chở đi tiêu thụ ở địa bàn nhiều tỉnh thành như: Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP.HCM...

Những tấm chiếu mang hồn quê

Ở thời hưng thịnh, cứ từ tháng 10 âm lịch thì làng chiếu ở xã Tân Thành bắt đầu khởi động vụ Tết. Nhưng vài năm trở lại đây, nghề chiếu đã dần mai một, bởi người theo nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

{keywords}
Bà Lệ chuẩn bị lác dệt chiếu

Chia sẻ với chúng tôi, bà Cao Hồng Lệ (63 tuổi, ở ấp 6, xã Tân Thành), cho hay: “Mấy chục năm trước người ta chuộng chiếu Tân Thành lắm. Vào mùa làm chiếu Tết thì đông vui, nhộn nhịp cả xóm. Ngày đó, xứ này cứ 100 nhà thì hết 99 nhà làm chiếu. Nói đến chiếu Cà Mau, chiếu Tân Thành thì ai cũng biết. Còn bây giờ, riêng ấp này chỉ còn khoảng 5, 6 người dệt chiếu”.

Vừa xếp những cọng lác đang phơi ngoài sân, bà Lệ vừa tiếp lời: “Để làm được một đôi chiếu phải tốn nhiều công sức, mà giá trị kinh tế đem về thì không bao nhiêu. Chính vì vậy, người trẻ thường khó gắn bó với nghề này. Nếu không có đất thì họ cũng chọn đi làm thuê chứ không chọn nghề dệt chiếu”.

Để làm ra tấm chiếu hoàn chỉnh, người thợ cần phải trải qua các công đoạn như: Chặt, chẻ, phơi khô và nhuộm lác; chấp trân lắp vào khuôn và dệt chiếu. Để dệt ra những đôi chiếu đẹp, bền, chắc, đáp ứng nhu cầu khách hàng, người thợ cần có kinh nghiệm và khéo tay. Ngày nay, nguyên liệu lác không còn nhiều và có giá cao cũng là một phần khiến nghề dệt chiếu không còn hưng thịnh.

Sau hơn 30 năm theo nghề dệt chiếu, bà Lệ và chồng vẫn đau đáu về việc giữ nghề. Bà chia sẻ: “Năm 11 tuổi tôi đã học dệt chiếu từ bà nội. Tôi học nhanh lắm, sau vài ngày là biết làm; vì mình thấy các bà các cô dệt hằng ngày. Sau khi lấy chồng, tôi tự đứng ra dệt chiếu đem bán kiếm tiền. Do mỗi khung dệt cần 2 người, nên tôi thường đi làm dần công với chị em trong xóm. Sau này, tôi và chồng tự làm ở nhà”.

{keywords}
Mỗi đôi chiếu Cà Mau dệt thủ công hiện được bán với giá từ 400.000-600.000 đồng.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Tết là lòng tôi lại nôn nao. Rồi vợ chồng bảo nhau chuẩn bị các nguyên liệu, xem lại khung dệt. Tuy hiện tại không còn phát triển như xưa nhưng tôi vẫn mong nhiều người cố gắng giữ và truyền nghề. Nếu để nghề dệt chiếu này mất đi thì buồn lắm...”, bà Lệ bộc bạch.

Với cách dệt thủ công, nếu làm giỏi, một ngày 2 người sẽ dệt được 1 đôi chiếu. Hiện giá chiếu dao động 400.000-600.000 đồng/đôi, tuỳ vào loại chiếu hàng hay chiếu đặt. Mỗi đôi chiếu lác dệt có thể sử dụng trên 3 năm.

Bà Trần Mỹ Tiên ở Ấp 5, xã Tân Thành, một trong những người lớn tuổi còn giữ nghề, chia sẻ: “Hồi đó, chỉ riêng mùa Tết nhà tôi dệt hơn trăm đôi chiếu, bây giờ chỉ còn khoảng 1/3. Tuy không có nguồn thu lớn nhưng nếu chịu khó thì nghề này cũng giúp gia đình có khoản tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Không những vậy, đây còn là nghề của ông cha, nếu còn sức thì tôi còn giữ gìn”.

Nghề làm chiếu ở xã Tân Thành tập trung ở các ấp 4, 5, 6. Hiện còn chưa tới 40 hộ theo nghề.

Theo chị Trần Như Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Thành, ở xã từng có tổ hợp tác dệt chiếu nhưng sau này hoạt động không hiệu quả nên các cô tự dệt tại nhà. Mặc dù vậy, Hội vẫn phối hợp cùng các ban, ngành có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ dệt chiếu để vực dậy nghề truyền thống. Đặc điểm của dệt chiếu là cần sự khéo tay, tỉ mỉ việc giữ nghề có nhiều khó khăn.

Hình ảnh chiếc chiếu thể hiện vẻ đẹp của quê hương, con người Cà Mau cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Việc giữ nghề dệt chiếu thủ công như giống như là giữ gìn một nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

Ngọc Chúc