Trong nhiều vụ đánh ghen, những người phụ nữ đang bị tổn thương tưởng rằng việc làm của mình là “đi đòi công bằng”, nhưng chính họ vô tình đã vi phạm pháp luật, để lại hậu quả đáng tiếc. 

Trong không ít vụ đánh ghen, kết cục cuối cùng là người chủ động đi đánh ghen bị khởi tố về các tội như "Cố ý gây thương tích", "Làm nhục người khác" hay "Gây rối trật tự công cộng". 

Luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc đánh ghen thể hiện trạng thái cảm xúc, nhưng nó chỉ dừng lại là vấn đề cá nhân nếu xảy ra trong không gian hẹp, không gian riêng tư và không để lại hậu quả pháp lý. 

Nhiều người vì không kiềm chế được cảm xúc đã có hành vi vượt quá giới hạn của việc ghen tuông, đẩy sự việc đi quá xa thành các hành vi như: Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; làm nhục, vu khống đối phương; cố ý gây thương tích; giết người; cố ý làm hư hỏng tài sản, hủy hoại tài sản của đối phương; gây rối trật tự công cộng; đưa trái phép thông tin lên mạng xã hội… 

luật sư hà thị khuyên.png
Luật sư Hà Thị Khuyên. Ảnh: NVCC

Theo luật sư, hành vi đánh ghen rất có thể chuyển hóa thành các tội danh cụ thể khi mà cảm xúc lấn át lý trí, người trong cuộc nhiều khi không nhận thức được hết hậu quả.

Khi hậu quả xảy ra, người thiệt thòi nhất lại chính là người có hành vi đánh ghen thái quá. Họ không những bị xử lý theo quy định của pháp luật mà còn đối diện với nguy cơ gia đình tan nát.

"Vì thế, giải pháp cho phụ nữ, cho người trong cuộc khi phát hiện đối phương ngoại tình, không chung thủy trong hôn nhân là cần khéo léo thu thập chứng cứ, khi đủ chứng cứ thì có thể đưa ra để cảnh báo đối phương nên dừng lại.

Trường hợp dù đã cảnh báo nhưng đối phương vẫn tái diễn việc ngoại tình, khi ấy người trong cuộc quyết định ly hôn cũng chưa muộn”, luật sư Hà Thị Khuyên đưa ra lời khuyên.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư phê phán cả hành vi đánh ghen thái quá và hành vi ngoại tình, không chung thủy trong hôn nhân. Trong đó, hành vi ngoại tình, không chung thủy trong hôn nhân là nguyên nhân, gốc rễ phát sinh việc đánh ghen. 

Luật sư cho biết, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại điểm c, khoản 2, Điều 5 nghiêm cấm: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Tại điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau: Phạt từ 3-5 triệu đồng nếu có hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.

Trường hợp hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng dẫn tới hậu quả “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng" theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Vì vậy, khi đủ căn cứ về việc đối phương là vợ hoặc chồng, hoặc người thứ 3 cố ý xen vào mối quan hệ vợ chồng, chị em nên tố cáo sự việc ra cơ quan chức năng để được giải quyết, tránh việc đánh ghen gây nên nhiều hệ lụy đáng tiếc”, luật sư Hà Thị Khuyên nói.