Quyết định cân não giữa mùa dịch Covid-19
TS Phạm Duy Hiền, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, khoa Gan mật của bệnh viện vừa thực hiện thành công 2 ca ghép gan đặc biệt cho 2 bệnh nhi.
Trong đó, bé trai Trần Gia B. mới 9 tháng tuổi, nặng 7,5 kg, quê Quảng Ngãi là em bé nhỏ tuổi nhất được ghép gan ở Việt Nam. Bố là người hiến 230 g gan cho bé.
Trường hợp còn lại là bé gái Trịnh Hoài A., 20 tháng tuổi, quê Phú Thọ, được mẹ hiến 250 g gan.
Cả 2 bệnh nhi đều mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, làm ứ trệ quá trình dẫn mật, hậu quả gây xơ gan mật và các biến chứng nặng nề.
Ca ghép gan căng thẳng cho bệnh nhi
Các bác sĩ đánh giá, tình trạng của 2 bệnh nhi rất nặng, bao gồm: Xơ gan nặng, xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng đường mật tái diễn, suy chức năng gan nặng… có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan. Để cứu 2 bé, cách duy nhất là ghép gan.
Với bệnh nhi 9 tháng tuổi, TS Hiền cho biết, sự sống của bé chỉ còn tính bằng ngày. Tuy nhiên, trước khi quyết định ghép gan cho bệnh nhi, các bác sĩ đã hội chẩn nhiều lần, cân nhắc rất kĩ do có quá nhiều nguy cơ trong và sau cuộc mổ, chỉ một khâu sơ suất nhỏ đều có thể dẫn tới thất bại.
TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật cho biết thêm, để thực hiện ca ghép gan cho trẻ em, mỗi ekip cần huy động 40-50 người, bao gồm nhiều chuyên khoa từ lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh đến gây mê hồi sức, huyết học…
Với bệnh nhi 20 tháng tuổi, ca ghép diễn ra ngày 24/2, kéo dài trong 9 giờ. Trong khi đó, ca ghép gan với bé trai 9 tháng tuổi khó khăn hơn, kéo dài hơn 10 tiếng, được thực hiện sau ca ghép đầu tiên 2 ngày. Cả 2 ca ghép đều có sự giúp đỡ của GS Chin-su Liu cùng các cộng sự đến từ bệnh viện Veterans General, Đài Loan.
Có thể khỏi hoàn toàn sau ghép
Trong ca ghép, bác sĩ đối mặt với nhiều thách thức. TS Hoa cho biết, tĩnh mạch cửa của bé 9 tháng tuổi (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Do đó, khi mổ các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.
“Chúng tôi phải vô cùng cẩn thận khi lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Đây là một thách thức về mặt phẫu thuật đã được các bác sĩ vượt qua và phẫu thuật thành công”, TS Hoa chia sẻ.
Sức khoẻ 2 bé tiến triển tốt sau ghép, sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới. Ảnh: Thúy Hạnh
Ở trẻ nhỏ, một khó khăn khác là khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2 mm, vì vậy bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.
TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức ngoại cho biết, sau phẫu thuật, quá trình hồi sức cho 2 bệnh nhi cũng gặp nhiều khó khăn. Riêng cháu bé 9 tháng tuổi xuất hiện khối tĩnh mạch gan sau ghép, do đó hồi sức phải đặc biệt tốt để tránh gây tắc toàn bộ mạch máu trong gan hoặc tránh tăng chảy máu.
“Các bác sĩ phải theo dõi bệnh nhi từng phút, mỗi bé do 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng phụ trách. Mất 3 ngày đầu, bệnh nhi phải hồi sức hết sức chặt chẽ để điều chỉnh rối loạn đông máu, tập trung chăm sóc hô hấp, chăm sóc chống nhiễm trùng”, TS Dương thông tin.
Sau mổ, 2 bệnh nhi cũng được làm xét nghiệm liên tục để xem có bị chống thải ghép hay không và siêu âm liên tục để kiểm tra đường mật và mạch máu có bị tắc.
Hình ảnh bụ bẫm đáng yêu của bé trai 9 tháng tuổi sau ghép gan. Ảnh: Thúy Hạnh
Đến nay, sức khoẻ 2 bé đã ổn định, chơi ngoan, ăn uống bình thường, dự kiến sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
TS Phạm Duy Hiền cho biết, ghép gan là phẫu thuật khó, ghép gan cho trẻ em là phẫu thuật đặc biệt khó do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ. Đến nay cả nước mới có 3 cơ sở y tế thực hiện ghép gan cho trẻ nhỏ.
Riêng tại BV Nhi Trung ương, đến nay đã thực hiện ghép gan cho 18 bệnh nhi, trong đó có những trường hợp ghép khác nhóm máu. Tổng chi phí cho 1 ca ghép gan ở trẻ nhỏ trung bình từ 500-700 triệu đồng, tuỳ thuộc vào quá trình hồi sức sau ghép.
Tuy nhiên khác với người lớn, TS Hoa cho biết trẻ nhỏ có khả năng dung nạp mảnh ghép rất tốt nên liều lượng thuốc thải ghép phải dùng rất ít, càng lớn, chỉ số thuốc thải ghép càng giảm dần. Thậm chí ở Đài Loan, đã có hơn 10 trường hợp ghép gan ở trẻ nhỏ không cần dùng thuốc chống thải ghép.
“Đặc biệt với các bệnh nhi bị teo mật bẩm sinh, suy gan cấp, ghép gan được coi là điều trị đặc hiệu, có thể chữa khỏi hoàn toàn”, TS Hoa cho hay.
Thúy Hạnh
15 giờ cân não trong phòng phẫu thuật tạo ra điều kỳ diệu cho trẻ sinh non
Ca ghép gan hi hữu khi bệnh nhi là trẻ sinh non suy gan giai đoạn cuối kèm viêm phổi, nhiễm trùng nặng. Bệnh nhi "cửu tử nhất sinh" đã được ông nội hiến tặng lá gan để giúp cháu nối dài sự sống.