Chiêu xổ “hàng boom” giá rẻ
Một trang bán hàng vừa đăng thông tin xổ rẻ lô hàng bị “boom” 100 triệu đồng với giá sốc, chỉ 179.000 đồng cho combo 3 món ví da, đồng hồ, dây đeo tay đá kết tỳ hưu, nhận được hàng trăm lượt thích, bình luận, chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều khách mua đã thẳng thừng tố chiêu trò của shop nhằm bán hàng cho nhanh. Những vị khách này đã từng mua và phát hiện shop này nhiều lần đẩy hàng tồn kho; sản phẩm khi không giảm giá cũng ở mức trên dưới 200.000 đồng/3 món, vì hầu hết là hàng Trung Quốc giá rẻ.
Nhan nhản các shop bán hàng online giả bị “boom hàng” để bán hàng lậu |
Không ít shop còn dựng chuyện “boom hàng” để đẩy hàng si (hàng xài rồi). Có những shop bán hàng online suốt ngày livestream than bị boom hàng, bán xổ lỗ quanh năm suốt tháng. Người bán còn livestream cảnh thắp nhang, đốt vía, la lối om sòm, chửi bới vì bị “boom hàng”. Hiện đã xuất hiện các hội, nhóm như “hội bóc phốt khách boom hàng”, “hội boom hàng toàn quốc”, “chống boom hàng”… xuất hiện nhiều chẳng kém các shop… giải “boom”.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường TP.Hà Nội kiểm tra, phát hiện hơn 15 website, fanpage của cùng một chủ hàng rao bán điện thoại Samsung S10+ chính hãng với giá chỉ 4 triệu đồng/cái. Chủ hàng khai nhận, đây là hàng nhái được mua trôi nổi. Rất nhiều vụ việc tương tự bị phanh phui mà chủ hàng là những người trước đó ra rả trên mạng rằng mình bán hàng giá rẻ do bị “boom hàng”.
Shipper chịu thiệt
Anh Nguyễn Trần Huy Phong - chủ hệ thống vuonrau.com - chia sẻ, cửa hàng kinh doanh chủ yếu rau củ, nấm linh chi Đà Lạt, khi nào khách đặt hàng mới thu hoạch hoặc thu mua từ đối tác của hệ thống để giao. Rau được chuyển xuống các cửa hàng tại Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội rồi giao cho khách để đảm bảo độ tươi ngon. Thế nhưng, có những khách không lấy rau với lý do như không muốn ăn rau này nữa hoặc rau có vẻ hơi héo. Vậy là cửa hàng đành ôm mớ rau này để ăn, đem cho hoặc đổ bỏ.
Thậm chí, có khách đặt vài ký nấm linh chi rừng (giá 1,8 triệu đồng/kg), anh cũng phải ứng tiền thu mua từ người bản địa nhưng sau đó, khách nhắn “không lấy nữa”.
Người giao nhận hàng (shipper) cũng là đối tượng thường xuyên bị “boom”.
Nhan nhản các shop bán hàng online giả bị “boom hàng” để bán hàng lậu |
Mới đây, vào đầu tháng Sáu, dân mạng nổi sóng khi khách hàng đặt 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng qua ứng dụng Grabfood rồi phũ phàng nhắn tin “thôi mình boom hàng nha, bye”, khiến anh shipper đứng chơ vơ với 20 ly trà sữa nặng trĩu trên tay. Sau vụ việc này, lại xuất hiện nhiều vụ việc tương tự, trên mạng tràn ngập hình ảnh các shipper phải ngậm ngùi ngồi ăn hết phần thức ăn bị “boom”.
Shipper làm việc cho công ty, nếu bị “boom hàng”, còn được công ty hỗ trợ một phần chi phí, còn các shipper tự do bị “boom” thì coi như trắng tay. Shipper Lê H.H. kể, cách đây vài ngày, anh nhận được đơn hàng giao quần áo trị giá 1,5 triệu đồng; người giao đề nghị anh H. ứng tiền trước, nhưng khi tới địa chỉ ghi trong giấy, anh H. không liên lạc được với cả khách lẫn người thuê giao. Biết bị lừa, anh H. giở gói hàng thì bên trong chỉ là hai bộ quần áo ngủ.
Luật sư Phạm Hoài Nam - điều hành Hãng luật Giải Phóng - cho rằng, nếu bên bán cung cấp sản phẩm không đúng chất lượng, số lượng, mẫu mã như cam kết thì bên mua có quyền không nhận sản phẩm. Còn nếu bên bán đưa đúng sản phẩm theo yêu cầu mà bên mua không nhận hàng thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bán. Trong trường hợp bên mua không chịu thanh toán, phía shipper, chủ cửa hàng có thể khởi kiện ra tòa án.
Thực tế, do giá trị đơn hàng nhỏ hoặc ngại thưa kiện nên đa số nạn nhân bị “boom hàng” đều im lặng, chấp nhận thiệt thòi. Theo các luật sư, có thể “trị” người “boom” bằng cách, liên hệ đến người quản lý ứng dụng chặn luôn vị khách hàng này, không cho phép đặt hàng qua ứng dụng, hoặc có thể giữ lại bằng chứng đặt hàng, hình ảnh rồi chia sẻ với bạn bè kinh doanh để không phải nhận các đơn hàng từ các vị khách thích thả “boom”.
Theo Báo Phụ nữ