"Hạn hán” GPU không phải là hiện tượng nhất thời. Khan hiếm và giá cao khiến nhiều người bất mãn, từ game thủ, nhà bán lẻ đến công ty sản xuất.

Thật đơn giản khi nghĩ rằng nguyên nhân của vấn đề bắt nguồn từ doanh nghiệp hám lợi nào đó. Tuy nhiên, thực tế phức tạp và đáng lo ngại hơn cho bất kỳ ai muốn sở hữu card đồ họa (VGA) với giá phải chăng.

Có nhiều nguyên nhân khiến GPU tăng giá. Ảnh: Digital Trends.

Cơn khủng hoảng GPU

Có một sự thật hiển nhiên trong suốt năm qua, card đồ họa đều được bán với giá cao hơn mức đề nghị của nhà sản xuất.

Vấn đề này bắt đầu vào giữa năm 2017, khi giá cho card đồ họa tăng vọt. Đặc biệt với các dòng card RX 500 vừa ra mắt vào tháng 4. Một chiếc RX 580 với giá 230 USD có thể khiến bạn mất tới 700 USD tại vài điểm bán lẻ.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với người mua RX 570, thậm chí là RX 560. Nvidia cũng không là ngoại lệ. Trong khi giá card cao cấp của hãng chênh lệch không đáng kể, GTX 1060 và 1070 lại đắt hơn ít nhất là 50%.

Vấn đề trên trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tiếp theo. Cùng với các vụ bùng nổ giá card tầm trung, card ngoại nhập và phân khúc cao cấp cũng tăng giá.

 

GPU

MSRP 

Newegg

 Amazon

 Tiger Direct

Nvidia GTX 1080 Ti

700 USD

700 USD

700 USD 

762 USD 

Nvidia GTX 1080

550 USD

530 USD

500 USD

582 USD

Nvidia GTX 1070

380 USD

658 USD

700 USD

500 USD

Nvidia GTX 1060 6 GB

250 USD

400 USD 

400 USD 

375 USD 

Nvidia GTX 1060 3 GB

200 USD

357 USD 

243 USD 

230 USD 

AMD RX 580

230 USD

600 USD

700 USD

 

AMD RX 570

170 USD

500 USD

650 USD

 

AMD RX 560

100 USD

100 USD

110 USD

117 USD

Vào tháng 1/2018, GTX 1060 ra mắt với giá 200 USD có thể được bán ở mức 800 USD. Card GTX 1080 700 USD cũng có giá bán 1.200 USD.

Card đồ họa hàng đầu của AMD, Vega 56 và 64, ra mắt vào tháng 4 trước đó, tăng từ mức giá 400-500 USD, lên hơn 1.000 USD tại nhiều điểm bán lẻ.

Tính đến tháng 4/2018, tình hình có sự khởi sắc nhẹ. Tuy nhiên, giá vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức cần thiết. Khi thế hệ sản phẩm Nvidia mới tiếp cận thị trường, các game thủ lo ngại rằng sẽ lại có một cơn khủng hoảng VGA với giá đắt đỏ.

AMD và Nvidia làm gì giữa bão giá GPU?

Trong khi khủng hoảng giá GPU diễn ra hơn một năm nay, phản hồi về khả năng cung ứng của từ AMD và Nvidia vẫn rất mơ hồ.

Với việc cho siết chặt nguồn hàng đến mức tất yếu xảy ra khủng hoảng giá cả, 2 công ty chắc chắn được hưởng lợi từ vấn đề này. AMD và Nvidia cho thấy khoản tăng thu mạnh mẽ trong báo cáo quý mới nhất. Các lô thiết bị đồ họa máy tính để bàn cũng tăng gần 10% mỗi năm. Thậm chí thị phần của ADM trong thị trường add-in-board có dấu phát triển mặc cho sự khan hiếm hàng.

Phần trăm thị phần của các dòng card đồ họa. Ảnh: Digital Trends.

Theo Digital Trends, đại diện 2 bên đều từ chối trả lời về vấn đề này. Điều đó gợi ra nghi vấn về sự thật bên dưới cuộc khủng hoảng GPU và mục tiêu chân chính của các công ty này sau những lời hứa hẹn cải thiện vấn đề.

Người đứng đầu mua hàng tại Overclockers UK, Andrew Gibson, chia sẻ rằng ngày càng khó khăn để công ty có được card đồ họa với giá cạnh tranh từ cả nhà sản xuất và bên phân phối.

"Chúng tôi đã không có sự hỗ trợ từ Nvidia, AMD hoặc các đối tác để giảm giá cho game thủ. Vì vậy, công ty tự thực hiện bằng cách siết giá mua cũng như giảm lợi nhuận", Andrew cho hay.

Một nguồn tin ẩn danh cho biết có sự lũng đoạn giá nghiêm trọng trong những ngày đầu giá VGA tăng nhanh. Cụ thể trích dẫn trường hợp của Newegg, 50 hoặc nhiều card đồ họa mua từ trang web và sau đó được chào bán trên cùng nền tảng với mức giá tăng cao.

Nhà kho của Newegg. Ảnh: Digital Trends.

Amazon được đánh giá là minh bạch hơn khi xác định danh tính người bán bên thứ 3. Đổi lại, không có giới hạn số lượng mua bán cho các loại card màn hình. Vì vậy, vẫn không có biện pháp cụ thể ngăn cản kẻ đầu cơ mua tất cả card màn hình trên trang web.

Ưu tiên trâu cày tiền số

Giới hạn mua hàng áp đặt lên các nhà bán lẻ đã gián tiếp trở thành rào cản cho game thủ, đối tượng mà Nvidia và AMD xếp ưu tiên số một. Ngược lại, lợi ích mà công ty mua trực tiếp hoặc cộng tác viên thu được từ nhà sản xuất vô tình hay cố ý bị ngó lơ.

Theo Digitel Trends, nhà xây dựng mỏ đào tiền Easy Crypto Hunter gặp rất ít khó khăn khi mua số lượng lớn VGA. “Về mặt thương mại, chúng tôi nằm ở một quy mô khác,” người sáng lập giải thích.

Các dàn trâu cày của những ông chủ lớn luôn được cung ứng đầy đủ. Ảnh: Digital Trends.

Josh Riddett cho biết công ty của anh ta mua vài trăm card đồ họa mỗi tháng. Mặc dù không nằm ngoài ảnh hưởng của việc tăng giá, anh cho biết thường xuyên được lợi vì mua sỉ. Điều này đặt ra nghi vấn AMD, Nvidia, và đối tác của họ có thể dành ưu đãi cho các công ty phần cứng khai thác tiền điện tử bởi khối lượng mua lớn.

Mặc dù vậy, AMD và Nvidia khẳng định các đơn vị khai thác tiền điện tử không tạo ra thay đổi lớn đối với lợi nhuận công ty.

Trí tuệ nhân tạo là nguyên nhân thứ 3

Một áp lực khác đối với việc kinh doanh card đồ họa của Nvidia là máy học. Card đồ họa đầu tiên thuộc thế hệ Volta mới ra mắt là Titan V, chiếc card nghìn USD được thiết kế để phát triển trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo đang là mục tiêu của AMD và Nvidia hơn game thủ. Ảnh: Digital Trends.

AMD cũng đang hợp tác với Tesla. Hãng nghiên cứu để vận hành AI trong những chiếc xe tự lái của công ty. Ngoài ra, thông tin bên lề về việc cho ra mắt card Vega mới tập trung vào AI cũng được tiết lộ.

Với sự thúc đẩy phát triển AI của các hãng sản xuất GPU, game thủ một lần nữa phải chia sẻ lượng lớn card đồ họa toàn cầu cho các ngành công nghiệp đang lên.

Một lời thú nhận từ ngân hàng Nga, Sberbank, xuất hiện vào cuối năm 2017. Theo đó, ngân hàng tuyên bố đã mua lượng lớn GPU cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Đây được xem như lý do chính cho sự thiếu hụt ở và tăng giá GPU ở Nga.

Báo cáo phát hành vào tháng 9/2017 của Forbes cho thấy một phần đáng kể doanh số từ người chơi game của Nvidia đã chuyển sang các công ty máy tính và trung tâm dữ liệu phát triển AI.

Card đồ họa chơi game được cho là rẻ hơn và thường hoạt động tốt hơn so với các chip cấp máy chủ hiện có. Giám đốc điều hành của Clarifai, một doanh nghiệp mới ở lĩnh vực AI là người đề xuất sử dụng card đồ họa Titan (được ép xung để đạt hiệu suất cao hơn) trong nghiên cứu.

Matt Zeiler thậm chí còn cho rằng Nvidia có mục tiêu hoàn toàn mới với phần cứng trong tương lai gần. "Nếu bạn nhìn lại một vài năm trước đây, Nvidia chỉ là công ty phục vụ chơi game. Giờ đây, họ đã hoàn toàn chuyển sang máy học", ông nói với Forbes.

Cho đến hiện tại, vẫn không thể đưa ra dự báo chính xác về thời điểm nguồn cung GPU bắt kịp với nhu cầu, và giá cả trở lại mức bình thường. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, chắc chắn game thủ không còn là “thượng đế” duy nhất của các công ty card đồ họa. Thị trường đã chia sẻ cho các ngành công nghiệp đang lên như khai thác tiền kỹ thuật số hay trí tuệ nhân tạo.

Theo Zing