Bình luận về đề xuất áp giá trần với dầu mỏ Nga của Mỹ và nhóm G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển) trên CNBC, ông Gal Luft - Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu - cho rằng, đây là ý tưởng vô lý. "Người đưa ra ý tưởng này đã bỏ qua thực tế rằng dầu không phải là loại hàng hóa không thể thay thế" - ông Luft nói.

Bloomberg đưa tin, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu của Nga ở ngưỡng 40-60 USD/thùng. Mỹ muốn áp giá trần với dầu mỏ Nga nhằm giảm bớt nguồn tài chính của Nga, đồng thời để hạ nhiệt giá xăng đang ở mức đỉnh ở Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Luft ví von động thái của Mỹ và đồng minh giống việc đến một cửa hàng và yêu cầu người bán hàng phải bán với giá thấp hơn mức giá niêm yết. Ông Luft giải thích: Thị trường dầu không hoạt động như vậy. Đó là một thị trường phức tạp, không thể ép giá đi xuống.

Giá dầu tăng nếu áp giá trần với dầu Nga ( Ảnh: Getty/CNBC)

Ông Luft nhận định nếu phương Tây áp mức giá trần với dầu mỏ Nga thì nước này sẽ cắt giảm sản lượng. Điều này khiến nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu càng trở nên thiếu hụt.

"Châu Âu và Mỹ đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu ở mức 40 USD/thùng. Song tôi cho rằng những gì họ nhận được sẽ là 140 USD/thùng", ông Luft cảnh báo.

"Không ai có thể thay đổi quy luật cung cầu của thị trường. Thực tế, dầu là một mặt hàng có thể thay thế", ông Lufty cho biết.

Nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Giới phân tích nhận định rất khó để thuyết phục các nước khác thực hiện kế hoạch này. Bởi gần đây, một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, đã đẩy mạnh mua dầu Nga giá rẻ.

Nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu thì hệ quả từ việc này có thể rất thảm khốc.

Theo các nhà phân tích của JPMorgan, việc cắt giảm nguồn cung dầu hàng ngày tới 3 triệu thùng sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên 190 USD mỗi thùng. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Nga dừng bơm ra 5 triệu thùng, như một đòn trả đũa đối với việc nhóm G7 áp mức giá trần với dầu của nước này thì giá dầu có khả năng tăng phi mã lên 380 USD.

Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Trước khi nổ ra chiến sự với Ukraine vào đầu năm nay, Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Hiện Mỹ đã cấm vận dầu Nga, còn châu Âu cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Nhưng Nga lại đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo IEA, trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu dầu Nga tăng 1,7 tỷ USD, đạt khoảng 20 tỷ USD.

Điều đáng sợ, giá dầu có thể tăng vọt lên 380 USD/thùngCác nhà phân tích của JPMorgan cảnh báo, nếu Nga cắt giảm nguồn cung 5 triệu thùng/ngày để đáp trả phương Tây, giá dầu có thể lên tới 380 USD/thùng.