Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, UVBCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trẻ em sống cùng cha mẹ vẫn có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn thì nguy cơ này càng cao hơn.
Bạo hành trong gia đình bao gồm 2 hình thức điển hình. Thứ nhất, cha mẹ nóng nảy, thiếu kỹ năng sống, dùng bạo lực giải quyết vấn đề, thiếu kiến thức pháp luật,… Thứ hai, trẻ sống trong gia đình có cha dượng, mẹ kế, nguy cơ trẻ bị bạo hành cao hơn.
“Tôi thường tiếp xúc, trao đổi với các em nhỏ, nạn nhân bạo hành đã trưởng thành. Đa số nạn nhân lớn lên trong gia đình không hạnh phúc.
Việc thường xuyên bị bạo hành khiến các em xem bạo lực là bình thường. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách của trẻ khi trưởng thành”, luật sư Cường chia sẻ.
Nạn nhân của bạo hành trẻ em có thể trở thành tội phạm, thích sử dụng bạo lực… Nghiêm trọng hơn, nhiều vụ bạo hành đã tước đoạt sức khỏe, tính mạng của trẻ em vô tội.
Luật sư Cường phân tích, ngày trước, xã hội lạc hậu, thông tin truyền thông về bảo vệ trẻ em chưa phổ biến. Tình trạng cha mẹ đánh con cái còn nhiều, chủ yếu xảy ra ở nông thôn.
Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ thời đó quan niệm “thương cho roi cho vọt”, đánh con với mục đích dạy dỗ.
Khi xã hội phát triển, người dân tiếp cận nhiều thông tin về quyền trẻ em và hiểu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho trẻ. Từ đó, tình trạng cha mẹ dạy con bằng đòn roi giảm đi rõ rệt.
Dù vậy, trẻ em trong các gia đình không hạnh phúc vẫn dễ dàng trở thành nơi để cha mẹ trút giận.
“Tôi biết một trường hợp người đàn ông ghen tuông, nghi ngờ vợ ngoại tình, dẫn đến suy diễn đứa con chung không phải con ruột.
Tuy nhiên, người chồng không sử dụng phương pháp giám định ADN mà giữ trong lòng rồi sinh ra ấm ức, tìm cách đánh đập hành hạ cháu bé”, luật sư Cường kể.
Ngoài ra, trường hợp cha mẹ ly hôn, nảy sinh mâu thuẫn kéo dài, dẫn đến hận thù cũng ảnh hưởng lớn đến trẻ em.
Vì tức giận đối phương không chu cấp hoặc hành xử quá đáng, cha hoặc mẹ - người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ sau ly hôn - sẽ ‘giận cá chém thớt’, mắng nhiếc, đánh đập con cho nguôi giận.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Cường khuyên, cha mẹ sau ly hôn phải ngồi lại bàn bạc với nhau về tương lai của con. Trẻ em là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất trong câu chuyện cha mẹ ly hôn.
Vì vậy, người được quyền nuôi con phải tạo điều kiện, giữ liên lạc với người còn lại. Hai bên hợp tác chăm sóc, yêu thương, xoa dịu tổn thương của trẻ.
Nếu phát hiện người nuôi dưỡng bạo hành trẻ, người còn lại có quyền trình báo với cơ quan chức năng, đề nghị thay đổi quyền nuôi con.
Luật sư Cường trăn trở, hành vi bạo hành gây thương tích thì người thân, cơ quan chức năng dễ phát hiện và đưa ra xử lý. Tuy nhiên, nếu trẻ bị bạo hành về mặt tinh thần (mắng chửi, bỏ đói…) thì rất khó phát hiện và thu thập chứng cứ.
Do đó, dù đã ly hôn, cha mẹ hoặc người thân cũng phải thực sự gần gũi, thường xuyên quan tâm thì mới đủ điều kiện, cơ hội bảo vệ con trẻ.
Đồng thời, cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ công tác giám sát chặt chẽ việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ hậu ly hôn.
Khi có sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía, những câu chuyện đau lòng liên quan đến việc trẻ bị bạo hành sẽ giảm thiểu, không còn diễn biến phức tạp như hiện tại.