Em bé đi bụi liên tục bị bán
Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo dựng khung pháp lý vững chắc, tạo thành công cụ hữu hiệu trong việc đấu tranh chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em.
Tuy nhiên, nạn mua bán trẻ em vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Theo số liệu từ Bộ Công an, trong quý III/2024, cơ quan chức năng đã điều tra xử lý 83 vụ với 240 bị can liên quan đến 269 nạn nhân mua bán người.
Trong số 269 nạn nhân bị mua bán có 37,55% là nam giới, 62,45% nữ giới; dưới 16 tuổi chiếm 43,87%, từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm 14,13%, trên 18 tuổi chiếm 42%.
N.T.T. (13 tuổi, quê Hậu Giang) là một trong những nạn nhân dưới 16 tuổi bị mua bán sau khi rời khỏi nhà, trở thành trẻ đường phố.
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ gãy đổ hôn nhân, T. bỏ nhà đi lang thang. Trong lúc lang thang trên đường, T. được một người chạy xe ôm đề nghị giúp đỡ bằng cách chở đến trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc.
Sau khi chở T. đến trung tâm, người xe ôm nhận một khoản tiền rồi rời đi. Tiếp đó, T. được người lạ đưa lên taxi cùng một số em nhỏ khác đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại đây, T. bị người lạ bán cho một chủ tàu cá. Em lên tàu làm việc với thỏa thuận được nhận tiền lương vào mỗi cuối tháng. Tuy vậy, dù làm việc cực nhọc, T. không được chủ tàu trả tiền lương hàng tháng. Ngược lại, em bị ngược đãi, bạo hành.
Không thể chịu đựng thêm, lợi dụng lúc tàu cá vào bờ lấy hàng, T. bỏ trốn. Em tiếp tục lang thang cho đến khi được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề TPHCM.
Tại đây, T. gặp gỡ và được nhân viên của dự án Phòng chống buôn bán trẻ em thuộc tổ chức Planète Enfants & Développement Vietnam (PE&D) hỗ trợ. Dự án kết nối với cha T., giúp em trở về gia đình theo mong muốn.
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt, Quản lý dự án Phòng chống buôn bán trẻ em cho biết, dự án phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề TPHCM hỗ trợ các em là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em.
Thông qua nhân viên xã hội, dự án tiếp xúc, thu thập thông tin các em đang được trung tâm hỗ trợ. "Dựa trên quy định về tội mua bán trẻ em và trải nghiệm của các em, dự án xác định xem các em có phải là nạn nhân của nạn buôn bán, bóc lột sức lao động hay không.
Sau đó, dự án sẽ đánh giá nhu cầu, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em để hỗ trợ. Tùy theo nhu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em học nghề, khám chữa bệnh, trở về với gia đình…”, chị Nguyệt thông tin.
Nỗ lực bảo vệ
Ngoài việc hỗ trợ các em tại Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề TPHCM, chị Nguyệt và dự án của mình còn đẩy mạnh công tác phòng chống nạn buôn bán trẻ em dưới nhiều hình thức.
Dự án tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc phòng chống nạn buôn bán trẻ em.
Chị Nguyệt và cộng sự liên tục tổ chức các buổi chia sẻ, cung cấp cho các em kiến thức, nhận diện hành vi mua bán trẻ em, thủ đoạn của các đối tượng mua bán trẻ em.
Dự án cũng truyền tải, giúp trẻ em biết cách phản ứng khi không may trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người như: Cần phải làm gì, cần liên hệ ai để được giúp đỡ…
Song song với việc này, chị Nguyệt và cộng sự thực hiện hoạt động cung cấp kiến thức, tập huấn cho các bậc phụ huynh, cộng đồng, cán bộ địa phương ở cấp phường, xã về vấn nạn nói trên.
Chị Minh Nguyệt nhấn mạnh: “Các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em của chúng tôi cũng đã mang ý nghĩa bảo vệ, phòng chống thực trạng này.
Bởi trong và sau quá trình hỗ trợ, chúng tôi ngăn ngừa, giúp các em tránh khỏi tình huống tiếp tục rơi vào hoàn cảnh trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.
Trước nạn mua bán trẻ em vẫn diễn ra phức tạp, tôi cho rằng cơ quan chức năng, tổ chức vì trẻ em cần truyền thông rộng rãi hơn để cộng đồng biết, hiểu như thế nào là mua bán người, mua bán trẻ em; như thế nào là nạn nhân của nạn mua bán trẻ em.
Ngoài ra, cần có sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên hơn giữa các tổ chức Nhà nước, cộng đồng bảo vệ chăm sóc trẻ em để đạt hiệu quả, tạo ra tác động lớn trong việc phòng chống nạn mua bán trẻ em nói riêng và vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung”.
Chuyên gia 'mách nước' bảo vệ trẻ em khỏi cạm bẫy mạng xã hội
70.000 nhân viên bưu điện, bưu tá chung tay bảo vệ trẻ em
Ngày 24/11/2020, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký thỏa thuận hợp tác về Bảo vệ trẻ em.