Tượng nghệ thuật cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa được khánh thành tại công viên đường Trịnh Công Sơn (phường Gia Hội, TP. Huế) chiều 28/2. Đây là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của cố điêu khắc gia Trương Đình Quế do một doanh nhân tài trợ để thực hiện, sau đó hiến tặng cho TP. Huế. 

batch ddz51996825449870eb06bc7f19d9b5e6158b23e61f8161d 1709099987542621824792.jpg
Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa được khánh thành tại TP Huế. 

Tượng được đúc bằng đồng cao 1,7m, rộng 1,6m và dài 2,3m. Tư thế vóc dáng của nhạc sĩ Trịnh cúi xuống như đang nhìn vào trang sách, nhìn vào chính mình cùng cây đàn guitar quen thuộc của ông. 

Tuy nhiên, một số bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội sau đó gây nên những tranh cãi trái - chiều. Các ý kiến cho rằng tạo hình tượng không giống cố nhạc sĩ. Các chi tiết như: "nhạc sĩ mang giày lười", "đàn guitar lại không có dây", "dáng ngồi trông ngạo nghễ, ta đây không phù hợp tinh thần Trịnh"... được mang ra phân tích, mổ xẻ. 

Trao đổi với VietNamNet, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái út của cố nhạc sĩ cho biết: “Dù nhiều người thích hay không thích, khen hay chê chúng tôi vẫn xin ghi nhận mọi ý kiến. Bởi điều đó xuất phát từ tấm lòng của mọi người dành cho anh Trịnh Công Sơn”. 

batch ddz5204032132592 f9624a43f88f352d4997c44b0d236f1b.jpg
Vợ chồng bà Trịnh Vĩnh Trinh chụp ảnh bên tượng anh trai. 

Ở góc độ cá nhân gia đình, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho rằng đây là một bức tượng đẹp, mô tả được phong thái của cố nhạc sĩ. 

Bà Trinh cho biết Trịnh Công Sơn sinh thời luôn thích mang giày có cột giây. Tuy nhiên thỉnh thoảng ông vẫn mang loại giày lười. Việc tác giả tạc tượng với chi tiết giày lười là hợp lý. 

Về dáng ngồi, bà Trinh nói đây là tư thế quen thuộc của cố nhạc sĩ. “Anh Sơn có kiểu ngồi như nửa ngồi nửa nằm khi một mình làm việc. Lúc anh để tay lên trán, có khi cầm điếu thuốc như đang suy nghĩ về một điều gì đó”, bà kể. 

Bà Trinh thông tin thêm tác giả bức tượng là cố điêu khắc gia Trương Đình Quế vốn cùng tuổi với Trịnh Công Sơn (sinh năm 1939), đồng thời cũng là bạn thân của cố nhạc sĩ. Chính mối quan hệ thân tình mấy chục năm giúp tác giả bắt được chi tiết, thần thái và đặc biệt là nét gần gũi của nhạc sĩ trong đời thường. 

batch ddz5204032120634 4d3302314fbaf24ad64dce52c5dce7da.jpg
Xung quanh tượng được bố trí thêm hoa, cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng về đêm. 

“Tất nhiên để ngồi phân tích một tác phẩm sẽ có nhiều ý kiến. Một tấm ảnh chụp đôi khi bắt được thần thái trọn vẹn đã khó, huống chi bức tượng lại càng khó hơn”, bà nói thêm. 

Đề tài tượng Trịnh Công Sơn trước nay luôn gây bàn tán với dư luận. Trước đó, tượng Trịnh Công Sơn ở TP Quy Nhơn bị cộng đồng mạng chê nên phải chỉnh sửa. Năm 2017, chân dung cố nhạc sĩ ở Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt phải cất đi, chờ làm lại sau khi gia đình ông cho rằng tượng có nhiều chi tiết sai lệch với nguyên mẫu.

Trịnh Vĩnh Trinh hát 'Chiếc lá thu phai' của Trịnh Công Sơn

Trong buổi lễ khánh thành, ông Trương Lâm (con trai của cố điêu khắc gia Trương Đình Quế) cho biết cảm thấy rất tự hào và vui mừng khi tác phẩm của cha mình được trân quý tại chính quê hương của người nhạc sĩ tài ba. "Nhìn những đường nét của bức tượng, tôi thấy được cha mình ở đó. Tôi tự hào và xúc động khi tác phẩm tượng trưng cho tình bạn tâm giao của cha tôi và nhạc sĩ họ Trịnh được trân quý, đặt trang trọng bên dòng Hương giang hôm nay", ông Lâm nói.