Để đảm bảo ổn định đời sống người dân, khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh triển khai các công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2021, nhất là thiệt hại do đợt lũ cuối tháng 11 vừa qua.

{keywords}

Khu vực phía Động, Đông Nam của tỉnh Gia Lai thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tại các khu vực bị ảnh hưởng, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã huy động, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình nhằm đảm bảo nhà ở, giao thông đi lại; đã tổ chức san gạt các điểm sạt lở và đảm bảo giao thông, thông tuyến; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và các điểm bị sạt lở chưa được khắc phục để nhân dân biết, phòng tránh khi tham gia giao thông... phục vụ tạm thời cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung vệ sinh môi trường sau bão, lũ, đảm bảo tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh trên người và động vật phát sinh sau lũ. Bên cạnh đó, Gia Lai đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương triển khai các giải pháp phi công trình như: Số hóa quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 878/QĐ- TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, hiện đại hóa các hệ thống cảnh báo, dự báo; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn; nâng cao năng lực cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai; hỗ trợ triển khai các công tác nuôi trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

Đối với quy trình vận hành liên hồ chứa, tỉnh đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương rà soát, kiểm tra điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 878/QĐ-TTg, ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với các điều kiện thực tế và biến đổi khí hậu, bồi lắng, thoát lũ hiện nay; đồng thời sớm số hóa quy trình vận hành liên hồ chứa, cung cấp tài khoản cho cho các địa phương theo dõi, chỉ đạo, công khai, minh bạch, trách nhiệm để chủ động làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành tại địa phương.

Đặc biệt, tỉnh mong muốn Trung ương sớm quan tâm, đầu tư triển khai các giải pháp công trình, triển khai các quy hoạch thủy lợi theo các Quyết định số 5205/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Ba và vùng phụ cận giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 4325/QĐ-BNN-TCTL ngày 2/11/2018 phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1133/KH-UBND thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, khắc phục khẩn trương và hiệu quả sau thiên tai. Phòng, chống thiên tai phải theo hướng quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính, phát huy vai trò của cộng đồng ở địa phương trong hỗ trợ người dân ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT-Thường trực Ban Chỉ huy và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Chủ trì phối hợp với các sở ngành đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai 5 năm và hàng năm, xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai của tỉnh, mô tả mức độ rủi ro thiên tai. Từng bước di dời dân cư chuyển đổi nghề cho các khu vực nguy hiểm. Tham mưu đề xuất tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn các cấp.

Điệp Lưu 

Gia Lai đầu tư cho Trung tâm giám sát điều hành thông minh

Gia Lai đầu tư cho Trung tâm giám sát điều hành thông minh

Tỉnh có nhiều hạng mục đầu tư cho Trung tâm giám sát điều hành thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu, dịch vụ đô thị thông minh.