Bỏ lắp ráp đi nhập khẩu

Các đại lý của Toyota Việt Nam, từ đầu tháng 3/2019, đã tự giảm giá “khủng” cho mẫu xe Camry, lên tới 80-100 triệu đồng (tùy phiên bản), để đẩy hết hàng tồn, chờ đón mẫu xe mới ra mắt vào ngày 23/4 sắp tới.

Theo thông tin từ Toyota Việt Nam, mẫu Camry thế hệ mới sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Như vậy, lại thêm mẫu xe nữa dừng lắp ráp tại Việt Nam, chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên chiếc.

{keywords}
Toyota Camry ngừng lắp ráp trong nước, chuyển sang nhập Thái Lan

Kể từ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống 30% vào năm 2017, xu hướng chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, thay vì lắp ráp trong nước diễn ra ngày càng mạnh.

Thời gian qua, đã có 1 loạt mẫu xe lắp ráp trong nước chuyển sang nhập khẩu như Honda Civic, CR-V, Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Mirage, Suzuki Swift…

Theo Tổng cục Thống kê, kể từ đầu năm 2019 số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 36.777 chiếc, trị giá lên tới 797 triệu USD, trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi có mức tăng đột biến.

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho thấy, doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc tháng 3/2019 đạt 12.539 chiếc, tăng 164% so với tháng trước.  

Trong đó nhiều mẫu xe nhập khẩu bán khá chạy. Cụ thể như mẫu Xpander do Mitsubishi Việt Nam nhập khẩu, tháng 3/2019 đạt doanh số bán hơn 1.800 chiếc, Honda CR-V đạt doanh số 1.389 chiếc, Toyota Wigo đạt 1.152 chiếc, Ford Ranger đạt 644 chiếc…

Theo đại diện Mitsubishi Việt Nam, mẫu Xpander đến nay còn gần 3.000 đơn đặt hàng nhưng chưa có xe để giao. Những khách đặt xe vào đầu tháng 3/2019 phải chờ sang tháng 5 mới được nhận xe. Không những thế, số lượng khách hàng đặt xe vẫn tiếp tục tăng. Mitsubishi Việt Nam đang dồn mọi nguồn lực cho việc nhập khẩu sản phẩm này.

Với Toyota Việt Nam, mẫu xe Rush cũng đang thiếu hàng trầm trọng. Tuy tháng 3/2019 chỉ đạt doanh số 301 xe, nhưng lý do chính là thiếu xe để giao cho khách. Những khách hàng đặt mua Toyota Rush tháng 3 sẽ phải chờ tới tháng 6/2019 mới được nhận xe.

Nhiều đại lý của Toyota Việt Nam không nhận đặt cọc của khách nữa do không biết khi nào mới có xe giao. Toyota Việt Nam cho biết đang tăng nhập khẩu mẫu xe này để đáp ứng nhu cầu. Với Ford Việt Nam mẫu Ranger cũng thiếu hàng, với các phiên bản XLS khách mua muốn mua, phải chờ tới tháng 6/2019 mới nhận được xe.

Xe nhập 700 triệu sẽ ăn khách

Cho dù Nghị định 116 tạo ra một số rào cản, nhưng cũng không thể ngăn được xe nhập khẩu đang tràn vào với số lượng ngày càng nhiều. Thời gian tới tiếp tục có thêm những mẫu xe chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu.

{keywords}
Xe ngoại nhập vào Việt Nam tăng đột biến 234% trong 3 tháng qua

Theo các DN FDI, đến nay những mẫu xe có doanh số bán dưới 8.000 chiếc/năm, lắp ráp trong nước không đem lại hiệu quả. Do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống 0% vào đầu năm 2018.

Trong khi đó, xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia có chi phí thấp hơn, vì vậy nhập khẩu về phân phối có lợi thế hơn.

Hiện tại giá xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan khá thấp. Trong tháng 3/2019, giá nhập khẩu của nhiều mẫu xe ở mức dưới 400 triệu đồng, về nước tính cả thuế, phí sẽ có giá bán dưới 700 triệu đồng, phù hợp với thị trường Việt Nam.

Dự báo từ nay đến cuối năm, các mẫu xe nhập khẩu như Toyota Wigo, Rush, Mitsubishi Xpander, Honda CR-V, Ford Everest... sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số bán và góp phần tăng thị phần xe nhập khẩu tại Việt Nam.

Nhiều mẫu xe nhập khẩu đến nay mới có giá bán ngang bằng xe trong nước, nhưng đã thu hút được rất nhiều khách hàng. Chẳng hạn, mẫu Wigo của Toyota có giá bán từ 345-405 triệu đồng, hay các mẫu xe của Mitsubishi như Attrage, Mirage có giá từ 351- 396 triệu đồng, cùng nằm trong khoảng giá của Kia Morning và Hyundai i10 sản xuất lắp ráp trong nước. 

Đặc biệt, hai mẫu xe là Toyota Rush có giá 668 triệu đồng và Mitsubishi Xpander có giá từ 550-620 triệu đồng, ngang bằng với một số mẫu xe lắp ráp trong nước của Ford, Hyundai Thành Công, Trường Hải...

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, khi xe nhập khẩu  tràn về nhiều, chỉ cần bán ngang bằng xe sản xuất lắp ráp trong nước, cũng đủ khả năng áp đảo. Xe sản xuất lắp ráp trong nước chắc chắn sẽ gặp bất lợi, khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế 0%.

Thị trường ôtô Việt Nam dự báo sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019. Tuy nhiên, theo số liệu của VAMA, tính đến hết tháng 3/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 8%, thì xe nhập khẩu tăng 234%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Trần Thủy

Xe bán tải giờ G: Nhiều khách ngậm ngùi trượt chạy phí

Xe bán tải giờ G: Nhiều khách ngậm ngùi trượt chạy phí

Dù khách hàng đã gấp rút đặt mua xe bán tải nhằm chạy phí trước bạ tăng ngày 10/4 nhưng theo thông tin từ nhiều đại lý, xe không kịp về đúng ngày, khách đành phải ngậm ngùi chịu trượt cơ hội phí rẻ.