Ngày 20/9, lực lượng thu mua của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) kéo lưới được khoảng 24 tấn tôm thẻ của một hộ dân ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung. Tôm đạt kích cỡ 60-70 con/kg, giá dao động 115.000-121.000 đồng.
Nói với Zing, ông Lưu Trường Giang, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, cho biết 2 ao thu hoạch được 24 tấn tôm có tổng diện tích 8.000 m2. Sau khi trừ chi phí, chủ 2 ao tôm này thu lãi 1,4 tỷ đồng.
Hiếm tôm 20 con/kg
Theo ông Giang, tại ấp Vàm Hồ của xã An Thạnh Nam có một nông dân sở hữu 30 ao nuôi tôm thẻ theo mô hình lót bạt. Người này thu hoạch xoay vòng các ao và Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát đã mua trên 200 tấn trong 9 tháng qua, thu lãi hơn 12 tỷ đồng.
“Từ nay đến cuối năm 2022, hộ dân có 30 ao tôm ở Vàm Hồ sẽ thu hoạch thêm khoảng 100 tấn tôm, lãi dự kiến gần 7 tỷ đồng. Hộ này sắp thu hoạch một ao tôm ước khoảng 20 tấn, kích cỡ 40 con/kg, lãi dự kiến khoảng 2,7 tỷ đồng”, ông Giang nói.
Thu hoạch tôm thẻ tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ảnh: Hum Giang. |
Đại diện doanh nghiệp nói rằng giá tôm thẻ tăng cao đang tập trung ở phân khúc kích cỡ lớn. Nhu cầu của thị trường đang cần nhiều tôm 20 con/kg để xuất khẩu nhưng loại này đang hiếm.
Chiều cùng ngày, doanh nghiệp ở huyện Trần Đề mua tôm loại 20 con với giá 225.000 đồng/kg, 25 con/kg giá 185.000 đồng, 60 con/kg giá 121.000 đồng, 100 con/kg giá 96.000 đồng.
Tại Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, tôm thẻ loại 20 con/kg được doanh nghiệp mua với giá 260.000 đồng. Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT công ty này nói rằng đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
“Giá tôm loại 20 con/kg tăng cao chưa từng thấy. Lượng tôm kích cỡ lớn tồn kho bên Mỹ đã hết. Tôm loại 25 con chúng tôi mua với giá 195.000 đồng, cao hơn lúc trước 10.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ tôm rất yếu nhưng không có tôm nên loại kích cỡ nhỏ giá cũng khá tốt”, ông Phục nói.
Đối với tôm thẻ có kết quả test không kháng sinh, tôm 20 con loại A1 được một số doanh nghiệp mua với giá 278.000 đồng; loại A5 giá 265.000 đồng, tăng 17.000 đồng/kg so với tuần trước.
Tư thương Lê Văn Dũng thu mua tôm sú tại huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Việt Tường. |
Không chỉ tôm thẻ, tôm sú kích cỡ lớn ở miền Tây cũng tăng giá. Tư thương Lê Văn Dũng (xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu), cho biết tôm sú 20 con/kg tăng từ 230.000 đồng lên 260.000 đồng nhưng số lượng rất ít.
“Tôm sú tươi sống loại 20 con giá cao đến 370.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất từ trước đến nay. Lúc này nông dân nuôi tôm theo mô hình quảng canh đang vào mùa trồng lúa nên tôm loại lớn hiếm lắm”, ông Dũng chia sẻ.
Xuất khẩu tôm sẽ chật vật đạt mốc 4,2 tỷ USD
Chiều cùng ngày, Công ty TNHH Khánh Sủng mua tôm thẻ loại 20 con với giá khoảng 250.000 đồng/kg. Theo CEO Trần Văn Tuấn, tôm kích cỡ lớn giá cao vì hiếm.
“Năm nay tôm thẻ nuôi vụ 2 chậm lớn vì thời tiết xấu, mưa nhiều. Chính vì tôm chậm lớn nên kích cỡ lớn không có nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, gần 9 tháng qua địa phương này thả nuôi được hơn 67.000 ha tôm, ước sản lượng thu hoạch khoảng 164.021 tấn.
Không chỉ tôm thẻ, tôm sú loại lớn cũng tăng giá kỷ lục. Ảnh: Việt Tường. |
Trong 104,6 ha tôm thiệt hại tuần qua, thị xã Vĩnh Châu có hơn 93 ha. Lũy kế thiệt hại của tỉnh Sóc Trăng từ đầu năm đến nay là 2.459 ha chiếm 4,8% diện tích thả nuôi (cao hơn 138,1 ha so với cùng kỳ).
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chỉ tiêu xuất khẩu tôm của năm 2022 là 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chậm nên các doanh nghiệp đang cố gắng phấn đấu.
“Thị trường biến động nhiều quá nên khó tính trước được. Chúng tôi hy vọng sang tháng 10 sẽ có nhu cầu nhiều cho xuất khẩu tôm đến cuối năm. Hiện nay lạm phát, nên mặt hàng nào giá thấp thì khách hàng nước ngoài ưu tiên mua”, ông Hòe nói.
(Theo Zing)