Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, năm 2024, nhu cầu của các quỹ ETF đến từ châu Á là ổn định nhất.

Các “cá mập” châu Á, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc, mua vàng khi đồng tiền nước này suy yếu và thị trường bất động sản gặp khó khăn, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.

Từ tháng 1 đến tháng 3, giá vàng giảm nhẹ, các quỹ châu Âu và Bắc Mỹ bán vàng, chỉ có châu Á mua vào. Giá vàng tăng mạnh vào tháng 3, các ETF Bắc Mỹ bắt đầu nhảy vào mua vàng, quỹ châu Âu nắm bắt cơ hội bán ra chốt lời.

Cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, các ETF châu Á tiếp tục mua vào mạnh mẽ, quỹ châu Âu tiếp tục là bên bán ròng và Bắc Mỹ phần lớn đứng ngoài cuộc.

Khi giá vàng đạt trên 2.400 USD/ounce vào giữa tháng 5, Bắc Mỹ và châu Âu mua vàng trở lại. Các quỹ châu Á bán ra hoặc dừng mua vàng do giá cao kỷ lục. 

381471f9 23e0 4376 8544 73b7a8f20654.png
Nhu cầu giao dịch vàng ETF trong năm qua. Nguồn: WGC

Trong khoảng thời gian tiếp theo, giá vàng trên trên 2.400 USD/ounce, quỹ Bắc Mỹ và châu Âu mua thêm vàng. Nhu cầu mua của các quỹ châu Á cũng tăng trở lại do dự báo giá vàng có thể lập các kỷ lục mới. 

Tháng 9, giá vàng phá vỡ mốc 2.500 USD/ounce, các quỹ Bắc Mỹ càng quan tâm nhiều hơn tới mua vàng. Các quỹ châu Á lại giữ nguyên số lượng vàng nắm giữ hoặc mua thêm rất ít.

Tới thời điểm giá vàng lên trên 2.600 USD/ounce vào đầu tháng 10, nhu cầu mua vàng của các quỹ châu Á tăng vọt, 3 tuần liên tiếp đổ tiền ồ ạt mua ròng vàng. 

Tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giá vàng giảm mạnh khiến các quỹ Bắc Mỹ và châu Âu rời thị trường. Các quỹ châu Á lại bỏ tiền ra mua vàng với giá hấp dẫn.

Khi giá vàng giảm dưới 2.600 USD/ounce vào giữa tháng 11, các nhà đầu tư châu Âu và châu Á đã thanh lý gần 25 tấn vàng chỉ trong 1 tuần.

6b3080f6 35a2 4e70 a03d 2e9bd9095c08.png
Giao dịch vàng theo khu vực. Nguồn: WGC

Giai đoạn cuối năm, giá vàng tăng trở lại trên 2.600 USD/ounce, các quỹ Bắc Mỹ mua vàng. Trong 2 tuần cuối cùng của năm 2024, các ETF châu Á cũng mua vàng trở lại.  

Theo WGC, mặc dù là một trong những “cá mập” mua vàng nhiều nhất trên thị trường năm qua nhưng các quỹ châu Á vẫn thua kém Bắc Mỹ và châu Âu về số lượng và giá trị vàng nắm giữ. Thị trường ETF vàng toàn cầu vẫn do các quỹ Bắc Mỹ và châu Âu thống trị.

Các quỹ châu Á phần lớn tại thị trường Trung Quốc. China AMC Gold ETF và ICBC Credit Suisse Gold Fund, tăng hơn 9% lượng vàng vào năm 2024. 

c0431427 3cc4 4e08 9c20 18120f716fea.png
Các quỹ có nhiều giao dịch vàng. Nguồn: WGC

Các quỹ châu Âu và Bắc Mỹ đứng đầu danh sách các ETF bán vàng. SPDR Gold Shares và Invesco Physical Gold EUR Hedged ETC bán lượng lớn vàng trong năm 2024. 

Mặc dù thị trường kỳ vọng vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giá cao kỷ lục, các quỹ ETF vàng toàn cầu vẫn kết thúc năm 2024 với dòng tiền chảy ra, bán ròng năm thứ tư liên tiếp.

Giá vàng, gia vang.jpeg
Giá vàng thế giới năm 2024 tăng mạnh. Ảnh: Kitco

Theo Bloomberg, triển vọng Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 giúp nhu cầu ETF vàng phục hồi, nhưng kết quả bầu cử của Mỹ vào tháng 11 đã chấm dứt đà tăng mới này. 

USD mạnh hơn sau chiến thắng của Donald Trump đã khiến các quỹ giao dịch trên sàn này bán tháo trở lại. Giá vàng thỏi giảm từ mức cao nhất mọi thời đại khi các nhà đầu tư chuyển hướng tiền sang cổ phiếu hay Bitcoin.

Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông đã khiến các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư và người tiêu dùng châu Á đổ xô đến vàng thỏi vật chất như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư và phòng ngừa rủi ro, điều này cũng làm giảm nhu cầu đối với các ETF vàng.