Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, vàng là một loại tài sản dự trữ quốc gia do các đặc điểm về mức độ an toàn, tính thanh khoản và lợi nhuận. Trong nhiều năm, các quốc gia đều tăng dự trữ vàng. 

Đặc biệt, các ngân hàng trung ương đều đặn mua vàng với một tốc độ ngày càng tăng. Hiện các ngân hàng trung ương nắm giữ khoảng 20% tổng lượng vàng khai thác được trong suốt lịch sử.

Trong nửa đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương đã mua 483 tấn vàng, đây là mức cao kỷ lục mới. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua vàng nhiều nhất trong nửa đầu năm nay với 45 tấn, Ấn Độ xếp thứ hai với 37 tấn vàng.

Các quốc gia khác như Jordan, Qatar, Uzbekistan, và Iraq cũng gia nhập làn sóng này. Ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi duy trì quan điểm tích cực về tương lai của vàng trong dự trữ ngoại hối. 

kitoco (8).jpeg
Các quốc gia tăng cường dự trữ vàng. Ảnh: Kitco

Trung Quốc thường là nước mua vàng hàng đầu thế giới, nhưng gần đây tạm ngừng hoạt động mua vào. Mới đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cấp hạn ngạch (quota) mới cho một số ngân hàng trong nước để nhập khẩu vàng. Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại, giá vàng có thể tiếp tục tăng.

Tính đến cuối tháng 7, lượng vàng PBOC nắm giữ là 72,8 triệu ounce. Năm 2023, PBOC là đơn vị mua vàng lớn nhất thế giới, với mức mua ròng 7,23 triệu ounce, theo số liệu của WGC.

Theo WGC, các ngân hàng trung ương trên thế giới tin rằng dự trữ vàng chính thức trên toàn cầu sẽ tăng trong thời gian 1 năm tới. Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác tăng cường dự trữ vàng.

Theo ước tính của WGC, dưới đây là bảng xếp hạng về dự trữ vàng theo quốc gia trong quý II/2024.

STT Tên nước Số lượng vàng (Tấn) Giá trị (Triệu USD)
1 Mỹ 8.133,46 609.527,85
2 Đức 3.351,53 251.166,13
3 Italy 2.451,84 183.742,52
4 France 2.436,97 182.628,35
5 Nga 2.335,85 175.050,59
6 Trung Quốc 2.264,32 169.689,52
7 Nhật Bản 845,97 63.397,87
8 Ấn Độ 840,76 63.007,20
9 Hà Lan 612,45 45.897,75
10 Thổ Nhĩ Kỳ 584,93 43.834,93

(Theo FI)