- Cục Hàng không VN vừa đề xuất Bộ GTVT cho phép tăng phí phục vụ hành khách quốc nội tương ứng với mức tăng 42% và 33% so với mức thu hiện hành.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa tại CHK nhóm B (Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đồng Hới, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Thọ Xuân) tăng 15%. 

Mức giá này tại các CHK nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ) sẽ được áp bằng 115% nhóm B. Với nhóm C (Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá), sẽ thu bằng 60% mức giá tương ứng tại CHK nhóm B.

{keywords}
Giá vé máy bay sẽ tăng do giá dịch vụ tại sân bay  tăng.

Điều chỉnh trên được đưa ra trên cơ sở đề xuất của ACV. Cụ thể, theo doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác 22 CHK trên cả nước, mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa đã được duy trì trong vòng 5 năm. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá này chỉ bằng 32 - 72% tùy loại tàu bay.

Được biết, mức giá đề xuất áp dụng tại các CHK tương ứng với nhóm A, B, C lần lượt là 100 nghìn, 80 nghìn và 60 nghìn/khách. So với quy định hiện hành, mức giá này tăng 42% (nhóm A), 33% (nhóm B) và không tăng tại CHK nhóm C. Được biết, riêng khoản tăng này nếu được thông qua sẽ mang về cho ACV hơn 558 tỷ đồng chỉ trong 1 năm 2017.

Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương nói: Nếu mức giá tăng của các loại dịch vụ tại các cảng hàng không trên được áp dụng, năm 2017 Vietjet Air dự kiến sẽ phải tăng chi 200 tỷ đồng. Với tốc độ phát triển của hãng hiện nay, bình quân mỗi năm tăng 30%, giai đoạn từ 2017-2020, Vietjet sẽ tăng chi tới gần 1.000 tỷ đồng, một con số quá lớn, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của DN.

Ngoài ra, theo ông Phương, đợt này còn tăng rất mạnh giá dịch vụ phục vụ hành khách, dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, hành lý, bảo đảm an ninh hàng hóa… Như thế, không chỉ DN bị ảnh hưởng mà hành khách cũng bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay chắc chắn sẽ tăng.

Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết, đặc thù của ngành Hàng không là nguồn thu của đơn vị này sẽ là chi phí của đơn vị khác. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không là thấp nhất. Do vậy, việc định giá dịch vụ cần dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích của các DN và hành khách, tạo điều kiện và hỗ trợ các hãng hàng không nội địa phát triển, tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.

Theo VNA, nhiều dịch vụ hàng không do ACV cung cấp đã liên tục tăng giá trong những năm qua. Do đó, cơ quan quản lý cần tính toán thận trọng để không làm ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của các hãng hàng không, tác động đến giá vé.

Ông Tạ Hữu Thanh, Giám đốc khu vực phía Bắc Jetstar Pacific cho rằng, việc tăng giá dịch vụ này có liên quan đến đông đảo người dân nên đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc về việc tăng và mức tăng.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, đợt điều chỉnh giá lần này được thực hiện theo hướng tăng những dịch vụ trước đây còn bao cấp, đồng thời có tính đến việc dần đưa giá tiếp cận giá thị trường dựa trên cơ sở giá thành, Nhà nước điều tiết bằng công cụ giá. Cục Hàng không sẽ cân nhắc để đề xuất lộ trình phù hợp.

Gia Văn