Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm 1.320 đồng/lít, giá bán là 21.000 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 1.300 đồng/lít, xuống mức 20.130 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 600 đồng/lít, ở mức 17.650 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 550 đồng/lít, giá bán là 17.970 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.000 | - 1.320 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.130 | - 1.300 |
Dầu diesel | 17.650 | - 600 |
Dầu hỏa | 17.970 | - 550 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (12/5) tiếp đà giảm từ 3 phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h26' hôm nay (ngày 12/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 74,78 USD/thùng, giảm 0,2 USD, tương đương 0,27% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,79 USD/thùng, giảm 0,08 USD, tương đương 0,11% so với phiên liền trước.
Hôm qua (11/5), giá dầu thế giới trên đà lao dốc. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h52' ngày 11/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 76,84 USD/thùng; giá dầu WTI ở mức 72,97 USD/thùng.
Đến 21h22' ngày 11/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 75,16 USD/thùng, giảm 1,25 USD, tương đương 1,64% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,19 USD/thùng, giảm 1,37 USD, tương đương 1,89% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu giảm trước những lo ngại về lãi suất gia tăng và nhu cầu dầu giảm sút.
Đáng chú ý, lạm phát ở Mỹ vẫn cao đẩy giá xăng dầu thế giới lao dốc.
Reuters đưa tin, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 0,4%, cao hơn so với mức tăng 0,1% trong tháng 3, do chi phí nhiên liệu và giá thuê nhà tăng. Điều này làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ nâng lãi suất hơn nữa. Động thái này có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Trong khi đó, báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ được công bố hồi cuối tuần trước cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm và tiền lương của nước này trong tháng 4 vượt dự kiến, còn tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 53 năm.
Giới đầu tư đang dõi theo các cuộc đàm phán về việc nâng trần nợ công hiện ở mức 31.400 tỷ USD của Chính phủ Mỹ.
Ngày 10/5, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 3 triệu thùng trong tuần trước do xuất khẩu giảm. Một ngày trước đó, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ đã tăng khoảng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/5, sau 3 tuần giảm liên tiếp.
Các nhà phân tích của hãng tin Reuters trước đó dự báo, lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm 900.000 thùng và lượng xăng giảm 1,2 triệu thùng. Lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ bất ngờ tăng làm dấy lên quan ngại về nhu cầu.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu tác động tiêu cực sau khi Trung Quốc công bố các dữ liệu kinh tế kém sắc.
Sáng 11/5, Trung Quốc đã công bố chỉ số CPI tăng 0,1% và chỉ số giá sản xuất PPI giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Các số liệu này cho thấy tình hình chi tiêu và sản xuất của Trung Quốc hiện rất yếu.
Trước đó, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã chậm lại trong khi nhập khẩu giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dầu thô tháng 4 của Trung Quốc cũng giảm xuống 10,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16,4% so với mức 12,32 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá dầu.
Bức tranh kinh tế phục hồi chậm và mức tiêu thụ nhiên liệu còn hạn chế của Trung Quốc đã khiến giá dầu gặp sức ép.
Dự trữ xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng và mức tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu yếu tại Trung Quốc đã làm trầm trọng lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu.