Giá xăng dầu trong nước hôm nay 15/1/2024

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 15/1 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 11/1.

Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng. Trong đó, giá xăng RON 95 lên sát mốc 22.000 đồng/lít.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 21.040 đồng/lít. Giá xăng RON 95 lên mức 21.930 đồng/lít.

Trong khi giá dầu diesel tăng lên 19.700 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hoả tăng lên 20.330 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 11/1 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 21.930 + 20
Xăng E5 RON 92-II 21.040 + 40
Dầu diesel 19.700 + 340
Dầu hỏa 20.330 + 380

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 15/1/2024

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 15/1 có khả năng đi lên theo đà tăng từ 2 phiên giao dịch cuối tuần trước.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 11h57' ngày 15/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,45 USD/thùng, tăng 0,16 USD, tương đương 0,2% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,74 USD/thùng, tăng 0,06 USD, tương đương 0,08% so với phiên liền trước.

Tuần qua, giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm sau tuần tăng trước đó.

gia xang dau 1 1575 1575.jpg
Giá xăng dầu thế giới đi lên (Ảnh: Oilprice)

Giá dầu trong tuần qua đi xuống do Saudi Arabia giảm giá dầu và tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng, bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.

Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 3 phiên và giảm 2 phiên. Dù số phiên tăng nhiều hơn nhưng mức tăng khá yếu, không đủ bù đắp cho những phiên giảm. Do đó, giá dầu tuần qua vẫn giảm nhẹ.

Giá dầu bắt đầu tuần qua với mức giảm tới hơn 3%. Giá dầu lao dốc ở ngay phiên đầu tuần do chịu tác động bởi quyết định giảm giá dầu thô Arab Light sang thị trường châu Á tới 2 USD của Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Theo đó, giá dầu Arab Light giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng qua. 

Cùng với đó, việc sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng trong tháng 12/2023 cũng tác động tiêu cực đến giá dầu.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ 2, giá dầu đảo chiều tăng 2% do lo ngại nguồn cung gián đoạn.

Tình hình xung đột ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc đóng cửa mỏ dầu Sharara của Libya có công suất 300.000 thùng mỗi ngày khiến nguồn cung dầu mỏ của thế giới bị đe dọa. 

Nhưng đà tăng của giá dầu bị cắt đứt ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần bởi dữ liệu dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt. Điều này làm dấy lên lo ngại về nhu cầu suy yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Kết thúc phiên này, giá dầu giảm hơn 1%.

Tới phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu thế giới lại đảo chiều tăng 0,8% trước nỗi lo nguồn cung bị gián đoạn tại khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

Giá dầu đi lên do lo ngại xung đột ở Trung Đông có nguy cơ leo thang bất chấp lạm phát ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Reuters thông tin, Mỹ và Anh ám chỉ sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tiếp diễn.

Đà tăng của giá dầu vẫn được duy trì trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Ở phiên này, giá dầu tăng thêm 1% do tác động của việc ngày càng nhiều tàu chở dầu chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sau các cuộc tấn công trên không và qua đêm của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 0,5%, còn giá dầu WTI giảm 1,1%. Giá dầu Brent chốt tuần qua ở mức 78,29 USD/thùng trong khi giá dầu WTI kết tuần ở mức 72,68 USD/thùng.