Giá xăng dầu trong nước hôm nay 20/6/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu chiều nay (20/6) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay có thể tăng nhẹ.
Các doanh nghiệp xăng dầu dự báo, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 180-220 đồng/lít. Còn giá dầu dự kiến tăng 120-150 đồng/lít, tùy loại.
Trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có khả năng tăng ít hơn, thậm chí giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 13/6), giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng tăng các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 170 đồng/lít, giá bán là 21.310 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 260 đồng, giá bán lên mức 22.230 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 220 đồng/lít, giá bán ở mức 19.640 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa tăng 300 đồng/lít, giá bán lên mức 19.850 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 20/6/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 20/6 chững lại sau khi tăng lên mức cao nhất trong gần 7 tuần.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h28' ngày 20/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 85,1 USD/thùng, tăng 0,04% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 81,38 USD/thùng, giảm 0,23% so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, giá dầu giảm nhẹ. Chốt phiên, giá dầu Brent giảm xuống 85,27 USD/thùng, giá dầu WTI hạ xuống mức 81,47 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong phiên 19/6, có thời điểm giá dầu Brent chạm mức 85,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/5; giá dầu WTI đạt 81,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 30/4.
Giá dầu tăng cao khi giới đầu tư lo ngại rủi ro địa chính trị leo thang ở châu Âu và Trung Đông.
Giá dầu tiếp tục đi lên sau khi xảy ra cháy lớn tại một bể chứa nhiên liệu của một kho dầu ở cảng Azov, phía nam nước Nga sau cuộc tấn công của các thiết bị bay không người lái của Ukraine.
Có thể thấy, các tổ hợp lọc dầu của Nga vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công của Ukraine, gây ảnh hưởng đến nguồn cung.
Liên quan đến xung đột ở Trung Đông, căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Hezbollah đang leo thang.
Ngoại trưởng Israel mới đây cho hay quyết định về một cuộc chiến tổng lực với Hezbollah sẽ sớm được đưa ra, bất chấp việc Mỹ đang cố gắng ngăn chặn cuộc xung đột lớn hơn giữa Israel và phong trào Hezbollah.
Xung đột leo thang tại Trung Đông khiến nguồn cung dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt có thể bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bởi nếu cơ quan này cắt giảm lãi suất có thể làm giảm chi phí đi vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế, nâng cao mức tiêu thụ dầu, khiến giá dầu đi lên.