Giá xăng dầu trong nước hôm nay 21/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu chiều nay (21/8) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, do giá dầu thế giới gần đây giảm nên giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành hôm nay nhiều cơ hội giảm theo.
Theo dự báo, trong kỳ điều hành chiều nay, giá xăng trong nước có thể giảm từ 520-930 đồng/lít, giá dầu có khả năng giảm 450-650 đồng/lít.
Còn nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể giảm ít hơn.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 11/8), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhưng mức tăng không đáng kể.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 30 đồng/lít, giá bán là 22.820 đồng/lít. Giá xăng RON95 cũng tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 23.990 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít, giá lên mức 21.880 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 21/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 21/8 quay đầu đi lên sau khi giảm vào tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h27' ngày 21/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 85,54 USD/thùng, tăng 0,74 USD, tương đương 0,84% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,06 USD/thùng, tăng 0,81 USD, tương đương 1% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá xăng dầu thế giới ghi nhận tuần giảm đầu tiên kể từ tháng 6. Trước đó, giá xăng dầu đã tăng 7 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất từ đầu năm đến nay.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu tuần qua bất ngờ đứt mạch tăng là do lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và sự mạnh lên của đồng USD.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu giảm tới 3 phiên và tăng 2 phiên.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu thế giới bất ngờ giảm gần 1%, đảo ngược đà tăng của tuần trước. Giá dầu đi xuống do chịu tác động bởi lo ngại về sự phục hồi kinh tế đang chững lại của Trung Quốc (nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới) và sự tăng vọt của đồng USD.
Đến phiên giao dịch thứ 2, giá dầu tiếp tục giảm hơn 1%. Giá dầu lao dốc khi dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế của nước này phục hồi chậm chạp, cộng thêm lo ngại rằng việc Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản không đủ để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Đà giảm của giá dầu tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch thứ 3 của tuần do thị trường lo ngại sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc bất chấp dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Ở phiên này, giá dầu giảm xấp xỉ 2%.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu lại quay đầu tăng nhẹ do đồng USD suy yếu và động thái vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc.
Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng tiếp do rủi ro thâm hụt về nguồn cung cùng với dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và nhu cầu tại nước này tăng lên. Ở phiên này, giá dầu tăng khoảng 1%.
Song sự bứt tốc ở 2 phiên cuối tuần khá yếu, không đủ để bù đắp cho sự lao dốc trước đó. Tính chung trong cả tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm tới gần 3%.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 81,25 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent là 84,8 USD/thùng.