Giá xăng dầu trong nước hôm nay 5/4/2024

Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 5/4 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 4/4 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều hành theo hướng giảm giá xăng RON 95 còn xăng E5 RON 92 và các mặt hàng dầu đều tăng.

Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm 10 đồng/lít, giá bán về mức 24.800 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, giá xăng E5 tăng 290 đồng/lít, giá lên mức 23.910 đồng/lít. 

Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 290 đồng/lít, giá bán lẻ lên mức 20.980 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng 140 đồng/lít, giá lên mức 21.010 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 4/4 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 24.800 - 10
Xăng E5 RON 92-II 23.910 + 290
Dầu diesel 20.980 + 290
Dầu hỏa 21.010 + 140

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 5/4/2024 

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 5/4 vẫn tiếp đà tăng cao, vượt 90 USD/thùng. 

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h53' ngày 5/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,88 USD/thùng, tăng 0,23 USD, tương đương 0,25% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 86,67 USD/thùng, tăng 0,08 USD, tương đương 0,09% so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu tăng hơn 1 USD do căng thẳng địa chính trị và cắt giảm sản lượng lấn át sự thận trọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

gia dau getty3 1 1386 1 1489.jpg
Giá xăng dầu có xu hướng hạ nhiệt (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, trong phiên 4/4, giá dầu đã có lúc suy yếu. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 20h08' ngày 4/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 89,06 USD/thùng, giảm 0,29 USD, tương đương 0,32% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 85,09 USD/thùng, giảm 0,34 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước.

Giới phân tích cho rằng giá dầu hạ nhiệt do hoạt động chốt lời của giới đầu tư sau khi tăng lên mức cao.

Cả giá dầu Brent và dầu WTI đều đóng cửa phiên 3/4 ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023.

Giá dầu tăng cao do lo ngại nguồn cung dầu có thể thắt chặt sau khi các nhà máy lọc dầu của Nga vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công của các máy bay không người lái và xung đột ở Trung Đông có khả năng leo thang.

Ngoài ra, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước bất ngờ tăng 3,2 triệu thùng, thay vì giảm 2,3 triệu thùng như dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ công bố trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu dầu ở Mỹ chưa khởi sắc và khiến giá dầu đi xuống.

Trong khi đó, cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) vào ngày 3/4 đã giữ nguyên chính sách sản lượng đồng thời hối thúc một số nước tăng cường tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

OPEC+ cho biết, một số thành viên sẽ hạn chế nguồn cung để bù đắp cho tình trạng dư thừa trong quý đầu tiên của năm 2024. Đáng chú ý, Nga dự kiến chuyển sang thắt chặt sản lượng thay vì hạn chế xuất khẩu.