Được xem là dự án hoành tráng bậc nhất Việt Nam nhưng đến nay siêu khách sạn cao nhất Việt Nam vẫn chỉ "nằm trên giấy". Lô đất xây dự án được tận dụng trồng rau muống.

Siêu dự án khách sạn Lotus Hotel (nay là Diamond Rice Flower) được quy hoạch trên "khu đất vàng" nằm cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia trên mặt đường Phạm Hùng có diện tích hơn 4,2 ha. Tổ hợp này gồm một tòa khách sạn 100 tầng cao 400 m, một tòa 80 tầng cao 320 m và một tòa nhà 15 tầng, được xem là dự án khách sạn cao nhất tại Việt Nam.

Đất làm siêu khách sạn vẫn chỉ để... trồng rau

Được triển khai cùng thời điểm với các siêu khách sạn khác tại Hà Nội như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Grand Plaza... Lotus Hotel được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

Tuy nhiên, trong khi những khách sạn khác đều đã đi vào hoạt động từ rất lâu, Hoa Sen vẫn chỉ là dự án "nằm trên giấy". Mảnh đất xây dựng siêu khách sạn đến nay chỉ được dùng để trồng rau, chăn bò.

{keywords}

Vị trí xây dựng siêu khách sạn cao bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Google Maps.

Ban đầu, siêu khách sạn này thuộc về Tập đoàn Riviera của Nhật Bản. Tuy nhiên, đầu năm 2009, đơn vị trên bất ngờ xin rút khỏi dự án do gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Thời điểm đó, rất nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn trở thành chủ đầu tư của dự án tầm cỡ này. Cuối cùng, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã được UBND TP.Hà Nội bàn giao làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến 500 triệu USD.

Sau khi thâu tóm dự án, Kinh Bắc đã lựa chọn Foster and Partners là nhà thầu thiết kế. Dự án sau đó được điều chỉnh vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD, tiêu chuẩn 6 sao để xứng tầm với vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội.

Tuy nhiên, phải 6 năm sau, đến tháng 5/2016, Kinh Bắc mới thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển khách sạn Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) để thực hiện siêu dự án khách sạn này. Thời điểm đó, dự án lấy tên mới là Diamond Rice Flowe.

Lúc mới thành lập, Công ty Hoa Sen có vốn điều lệ 145 tỷ đồng. Mức vốn này được đánh giá là quá nhỏ bé so với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của dự án. Một năm sau đó, chưa có bất kỳ hạng mục nào của siêu khách sạn được triển khai.

Cuối tháng 5/2017, Kinh Bắc bất ngờ tăng vốn điều lệ cho Công ty Hoa Sen lên 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần ban đầu. Nhiều người tin rằng đây chính là động thái đầu tiên của đại gia Đặng Thành Tâm để khởi động siêu khách sạn 100 tầng nói trên.

Tuy nhiên, ngày 20/6, Kinh Bắc bất ngờ thông báo hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Hoa Sen cho đối tác là Công ty cổ phần Đầu tư Mặt trời mọc.

{keywords}

Khi mà siêu khách sạn vẫn nằm trên giấy thì khu đất bên ngoài được người dân tận dụng để trồng rau, nuôi lợn.

Số phận của siêu dự án khách sạn 100 tầng một lần nữa lại được đặt ra. Theo khảo sát của PV, tại thời điểm hiện tại, chưa có hạng mục nào được xây dựng. Toàn bộ diện tích vẫn được sử dụng để trồng rau muống và cỏ.

Quan trọng nhất là phải có tiền

Cách đó không xa, một siêu dự án chọc trời khác cũng chịu chung số phận xanh mướt cỏ chính là siêu tháp 102 tầng PVN Tower.

PVN Tower được ký kết xây dựng vào năm 2010 giữa Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Đại dương (OGC) với trị giá hơn 1 tỷ USD. Công trình bao gồm khu nhà ở, khách sạn cao cấp và văn phòng cho thuê…

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau, tháng 3/2011, PVC bất ngờ công bố điều chỉnh PVN Tower từ 102 tầng xuống còn 79 tầng. Vốn đầu tư giảm từ 1 tỷ USD giảm xuống 600 triệu USD. Đến năm 2012, PVN cho biết đã rút khỏi tòa tháp. Từ đó, khu đất vàng bị bỏ hoang.

{keywords}

Những lần giảm vốn của dự án siêu tháp PVN Tower 102 tầng (đơn vị: triệu USD).

Ngày 20/2/2017, UBND TP. Hà Nội đã chọn Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh là nhà đầu tư dự án với tên gọi mới Golden Palace A, chiều cao 44 tầng, với tổng vốn đầu tư 4.460 tỷ đồng (khoảng hơn 200 triệu USD).

Từng chia sẻ với Zing.vn về số phận các tòa nhà trọc trời tại Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng Việt Nam cần nhà chọc trời nhưng không nên chạy theo thế giới.

"Không phải ai muốn xây cũng xây được mà phải mạnh về kinh tế. Đó có thể là doanh nghiệp bất động sản, đa ngành, nhưng yếu tố tiên quyết là phải có uy tín và tiềm lực", ông nhận định.

Cùng quan điểm đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia bất động sản cho biết điều quan trọng nhất trong việc triển khai các dự án bất động sản lớn chính là năng lực vốn của chủ đầu tư.

"Việc các dự siêu dự án chuyển giao từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác, có thể do họ không đủ năng lực vốn nên phải bàn giao cho chủ đầu tư khác là chuyện bình thường. Trong bất kỳ dự án bất động sản nào, năng lực vốn của chủ đầu tư vẫn là quan trọng nhất", vị này bày tỏ.

Nhận định về thị trường bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng trong tương lai của Việt Nam, ông Võ cho biết hiện nay Việt Nam đẩy mạnh phát triển du lịch vì vậy thị trường này sẽ rất tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng phải cân nhắc việc vị trí, dịch vụ, tiện ích của công trình hướng tới cho khả năng thu hút khách hàng hay không, từ đó mới có thể đạt hiệu quả trong đầu tư.

(Theo Zing News)