Hầu hết các công đoạn sản xuất được robot hóa, cả công xưởng vắng lặng, không một bóng người. “Chúng tôi nhập robot second hand giá chưa đến 10 ngàn USD, chạy suốt ngày đêm mà không kêu ca, không nghỉ ốm, không biểu tình”, người ta giải thích.

Ở nhiều ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao khác như điện, dầu… việc tự động hóa ngày càng phổ biến, được áp dụng robot trong nhiều công đoạn, thay thế nhiều công việc của con người.

Phải thừa nhận rằng, các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang phát triển. Trong giai đoạn 2011-2019, công nghiệp chiếm bình quân hơn 32% trong GDP của cả nước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 16,5% trong GDP.

{keywords}
Năng suất lao động của ta kém bậc nhất khu vực, năng suất lao động trong công nghiệp còn kém hơn nữa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xét về mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2010 đến nay cho thấy cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp hoá, với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng liên tục trong giai đoạn 2011-2019, trong đó, trong giai đoạn 2016-2019, IIP tăng bình quân 9,44%/năm, cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (7,3% năm). Trong đó, IIP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng bình quân 10,5%/năm, cao nhất trong số các phân ngành công nghiệp.

Công nghệ lạc hậu  

Nhìn thoáng qua như vậy cứ tưởng các ngành công nghiệp ở Việt Nam đã được hiện đại hóa, cứ tưởng chúng ta có cơ hội đến nơi.

Một lần đi thăm nhà máy gang thép, tôi cũng rất ngỡ ngàng thấy 3-4 công nhân đánh vật kéo thanh thép đỏ rực. Từ đánh vật ở đây theo đúng nghĩa đen - tức là họ dùng tay, thót bụng, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, ra sức kéo cái thanh thép nặng chình chịch đó. Dù làm công việc rất vất vả nhưng họ còn may mắn chán: họ có việc làm.

Mà đại đa số các nhà máy công nghiệp ở ta có trình độ công nghệ lạc hậu như thế, chạy bằng sức người như thế, chứ không được hoành tráng như cái cảm giác choáng ngợp ban đầu tôi từng có ở một vài doanh nghiệp lắp ráp ô tô, hay nhà máy dầu, nhà máy điện.

Đến nay, theo Bộ Công thương, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.

Trình độ cơ khí chế tạo - là trụ cột của sản xuất công nghiệp - đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ. Có đến 60-70% ở trình độ công nghệ những năm 1950.

Hiện nay, ngành cơ khí chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án công nghiệp có độ phức tạp cao như nhà máy nhiệt điện, alumin, dầu khí, hóa chất, lọc hóa dầu… 

Năng suất lao động của ta kém bậc nhất khu vực rồi, không cần bàn cãi và nhắc lại nữa, nhưng năng suất lao động trong công nghiệp còn kém hơn nữa. Tốc độ tăng năng suất lao động trong công nghiệp trong giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 2,71%, trong đó, giai đoạn 2016-2020 ước chỉ tăng 1,5%, tăng thấp nhất so với tất cả các ngành kinh tế, theo Bộ Công thương.

Không phải do nội lực  

Minh họa cho mấy số liệu trên có thể lấy ví dụ: một số nhà đầu tư nước ngoài mang công nhân Trung Quốc và máy móc vào để lắp ráp, ví dụ, ở Formosa bởi đơn giản họ không tìm được đối tác ở Việt Nam, bởi doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực, bởi đơn giản là kỹ năng của người lao động Việt Nam không đáp ứng được.

Sự kém cỏi đó, tiếc thay, lại bị chèn ép ngày một khốc liệt bởi các FTAs, bởi các doanh nghiệp FDI ngày một nở rộ ở đây mà chúng ta không thể kết nối được.

Trong các ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, họ tập trung trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động còn thấp của Việt Nam.

Về thực chất, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước thời gian qua là nhờ vốn FDI chứ không phải do vốn trong nước, không phải do nội lực. Nền kinh tế có tăng trưởng nhưng đất nước không có phát triển tương xứng đi kèm. Ví dụ, về đôi giày trị giá 100 USD mà chúng ta gia công cho nước ngoài, GDP có 100 USD nhưng nền kinh tế thực chất chỉ có 22 USD mà thôi.

Nhưng, điều đáng lo lắng là kết quả chuyển dịch mong manh, phụ thuộc đó đã làm nhiều người có trách nhiệm nhầm tưởng rằng, công nghiệp hóa đất nước có thể hoàn thành một cách dễ dàng?

Đại hội Đảng lần thứ 8 (1996) đã xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Qua các kỳ Đại hội 9, 10, 11, mục tiêu xuyên suốt được xác định là: “Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tuy nhiên, đến Đại hội 12 đã nhận định: “Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được” và “việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra”.

Cũng tại Đại hội 12 xác định mục tiêu tổng quát là “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các bản dự thảo báo cáo kinh tế cho Đại hội 13 vẫn đặt mục tiêu sẽ thành nước công nghiệp sau 10 năm tới.

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Để đạt được những mục tiêu rất tham vọng trên nền tảng hiện nay, khi cửa đã mở toang, thuế đã về 0 và các biện pháp bảo hộ đã không còn hiệu lực thì cần có tầm nhìn, quyết tâm mạnh mẽ chứ không thể như những gì diễn ra trong 25 năm qua.

Tư Giang

Không cam phận làm thuê

Không cam phận làm thuê

Khi chỉ chiếm lĩnh được vỏn vẹn công đoạn gia công lắp ráp, chúng ta đã thất thế ở các khâu quan trọng nhất của chuỗi giá trị, từ phát minh, sáng chế, thiết kế, phân phối…