Tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững 

Ngày 16/10, huyện Côn Đảo (Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030”.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Côn Đảo là một địa điểm du lịch có nhiều ý nghĩa lịch sử của cả nước và là điểm đến có sức hấp dẫn, thu hút đối với du khách quốc tế; có vai trò, vị trí trọng yếu trong chiến lược quốc phòng, an ninh của quốc gia.

condao.png
Một góc Côn Đảo

Tuy nhiên, huyện đang đứng trước những thách thức, khó khăn như thiếu nước sinh hoạt, vấn đề xử lý rác thải, năng lượng, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra cho Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bài toán trong việc giải quyết có hiệu quả yêu cầu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện Côn Đảo.

Chính vì thế, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chọn là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra. Đồng thời, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.

6 nhóm giải pháp 

Trong bối cảnh đó, Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030” sẽ được triển khai qua 6 nhóm giải pháp: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn, với lộ trình triển khai qua hai giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong đánh giá, triển khai đề án kinh tế tuần hoàn mang lại sự cân đối giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời tập trung khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái. Điều này giúp Côn Đảo sẵn sàng thích ứng với những thay đổi môi trường và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững và tăng trưởng Xanh.

Tho đó, để triển khai đề án, cần tập trung vào xây dựng các liên kết và gia tăng giá trị giữa Cơ quan nghiên cứu, Chính quyền, Doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan. Mục tiêu là cung cấp các giải pháp khoa học và thực tế. Đề án sẽ tận dụng nguồn lực từ nghiên cứu kết hợp với các chương trình quốc gia và địa phương. Tìm kiếm nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế để đóng góp vào các chương trình toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy giá trị văn hóa, xã hội. Ngoài ra, sẽ thu hút nguồn kinh phí từ tư nhân và doanh nghiệp thông qua các dự án thử nghiệm sản xuất. Xây dựng các chính sách quản lý và khuyến khích để khuyến nghị việc chuyển đổi nền kinh tế hiện tại theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Các nhà khoa học đánh giá, huyện Côn Đảo là địa phương tiên phong trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn của cả nước. Việc Côn Đảo ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho địa phương, cả góc độ người dân cũng như doanh nghiệp, và dài hạn hơn Côn Đảo có thể thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước với mô hình phát triển du lịch xanh. 

Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn là mô hình được khuyến khích không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn tác động rất tốt trong việc bảo tồn thiên nhiên. Việc tuần hoàn được một chuỗi tài nguyên có thể tái tạo và tái sử dụng lại được sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nước, không khí, cũng như các phần tuần hoàn về rác thải, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng, biển. Để thực hiện mô hình này cần sự chung tay của chính quyền địa phương, của toàn thể cộng đồng, doanh nghiệp.

Bởi vậy, trong thời gian tới cần phải có sự tuyên truyền đến người dân để họ nhận thức rõ mô hình kinh tế tuần hoàn và áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Về mặt doanh nghiệp, bài toán đặt ra là nguồn lực về tài chính để đổi mới công nghệ, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, do đó cần phải có những giải pháp từ phía chính quyền để tiếp sức cho doanh nghiệp, để họ áp dụng các mô hình kinh doanh mang tính tuần hoàn.

Đình Thành và nhóm PV, BTV