Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển. 

Theo đó, Côn Đảo của Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương được đặc biệt lưu ý, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh BR-VT, Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) trong khu vực quần đảo Côn Sơn có gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha đất ngập nước cùng các hệ sinh thái: Rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển... được bảo tồn khá nguyên vẹn. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý, như: rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)...

Nơi đây có thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, từ những loài sống trên cạn đến những loài sống dưới nước, hơn 370 loài thân gỗ, hơn 100 loài cây dây leo, hơn 200 loài thảo mộc có lợi, cùng với 30 loại hoa phong lan khác nhau phân bố rải rác trên đảo. Tài nguyên thực vật rừng đã thống kê, xác định 1.077 loài thực vật bậc cao, trong đó có 44 loài được tìm thấy ở Côn Đảo lần đầu tiên và 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt cho, như: dầu Côn Sơn, bui Côn Sơn, đọt dành Côn Sơn,...

Hệ động vật rừng có 160 loài, trong đó 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch. Có 3 loài động vật đặc hữu của Côn Đảo là: sóc đen, thạch sùng và khỉ đuôi dài. Tài nguyên đa dạng sinh học biển rất phong phú, đa dạng, với 1.725 loài sinh vật biển. Sự cách ly về địa lý là yếu tố tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái, phong phú về thành phần loài và tính đặc hữu cao tại Côn Đảo. 

Thời gian qua, việc bảo tồn đa dạng sinh học nhằm duy trì, lưu giữ nguồn gien và các sinh cảnh đặc trưng của Côn Đảo và của Việt Nam, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống bền vững đang là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong quá trình phát triển Côn Đảo.

Hiện nay, Ban quản lý VQG Côn Đảo đã xây dựng Quy chế bảo tồn tài nguyên biển, thực hiện cam kết bảo vệ rừng, đồng thời, triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn VQG, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ban quản lý VQG Côn Đảo đã xây dựng mạng lưới các trạm quản lý, bảo vệ, gồm: 5 Trạm kiểm lâm ở đảo lớn trung tâm; 7 trạm kiểm lâm ở các đảo nhỏ có đa dạng sinh học cao, tạo ra một hệ thống quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng và biển khép kín. Trong đó, kiểm lâm của VQG là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bám đảo 24/24 thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân xâm phạm tài nguyên trái phép trong khu bảo tồn.

Hàng năm, VQG tổ chức cho các cán bộ khoa học thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cơ sở, phục vụ cho quản lý, bảo tồn. Một số chuyên đề nghiên cứu khoanh nuôi phục hồi, phát triển rừng đã được triển khai thực hiện. Công tác nghiên cứu đa dạng sinh học biển, giám sát các rạn san hô, đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu bảo tồn một số loài quý hiếm như rùa biển, dugong, trai tai tượng... được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn.

Ngoài ra, Ban quản lý VQG Côn Đảo đã lập và trình Chính phủ Dự án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại VQG Côn Đảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở cho việc thực hiện Chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững, phát huy các giá trị về thiên nhiên, cảnh quan để phát triển kinh tế - xã hội tại Côn Đảo.

Phú Mỹ