- Giải Báo chí quốc gia sẽ tập trung tôn vinh những tác phẩm báo chí có tính phát hiện, nêu được vấn đề mới, đề cập những vấn đề xã hội quan tâm theo nguyên tắc "nhanh, mới, đúng, hay".
Hội nghị tổng kết 10 năm giải báo chí quốc gia đã diễn ra chiều nay, 14/7, dưới sự chủ trì của nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng giải Báo chí quốc gia; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng; ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia Thuận Hữu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc |
Chia sẻ tại hội nghị, nhà báo Thuận Hữu nhớ lại, ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt đề án Giải báo chí quốc gia.
"Kể từ đó đến nay, giải Báo chí quốc gia đã được báo giới và công chúng hưởng ứng, đón nhận tích cực. Lễ trao giải hàng năm đã trở thành ngày hội của giới báo chí, ghi nhận, tôn vinh, thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người đoạt giải nói riêng; động viên khích lệ giới báo chí; góp phần phát hiện và tôn vinh những tài năng, tâm huyết của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa".
Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, giải Báo chí quốc gia vẫn còn những mặt hạn chế cần được khắc phục, cải tiến để ngày càng nâng cao chất lượng, nhà báo Thuận Hữu nêu rõ. Hội nghị chiều nay chính là dịp để tổng kết, đánh giá những gì đã đạt được, những bất cập và những bài học kinh nghiệm qua 10 năm tổ chức, từ đó thảo luận các phương hướng, đề xuất, giải pháp để nâng cao chất lượng giải.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hồ Quang Lợi đã nêu ra nhiều con số cho thấy sự phát triển lớn mạnh của giải sau 10 năm, thể hiện ở số lượng đơn vị tham gia cũng như số lượng tác phẩm dự giải ngày càng tăng. Năm đầu tiên chỉ có 77 đơn vị, với 955 tác phẩm dự giải nhưng đến năm 2013 đã có 151 đơn vị tham gia giải, với 1665 tác phẩm báo chí tham gia. Trong 10 năm, hội đồng đã trao 45 giải A, 206 giải B, 396 giải C và 346 giải khuyến khích.
"Quyết định trao giải, nhất là những giải cao, được thực hiện chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, được thẩm định kỹ càng, theo tiêu chuẩn chất lượng là chính, không tràn lan", ông Lợi khẳng định.
Dù vậy, các ý kiến tham luận cũng chỉ ra những bất cập chính như về cơ cấu giải chưa thực sự phù hợp, báo điện tử hiện đang chiếm lĩnh "trận địa thông tin" nhưng từ năm 2012 mới bổ sung loại hình báo chí điện tử vào diện xét giải là chậm. Việc thu hút tác phẩm ở một vài loại giải cũng có bất cập... Một số cơ quan báo chí gần như không thể tham gia giải như các cơ quan báo chí phục vụ đối tượng thiếu niên nhi đồng hoặc đồng bào dân tộc, miền núi. "Viết cho các đối tượng này thường phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Nếu xếp chung trong các loại giải theo loại hình báo chí hiện nay thì rất khó giành giải”.
Để nâng cao chất lượng giải trong những năm tới, Hội đồng giải Báo chí quốc gia cho biết sẽ tập trung điều chỉnh, sửa đổi cơ cấu giải; tiếp tục nâng cao chất lượng tác phẩm dự giải, tăng cường phát hiện, trao thưởng cho những tác giả, tác phẩm xuất sắc, có hình thức thể hiện hấp dẫn, hiện đại, giàu sức lan tỏa, hiệu quả xã hội lớn theo nguyên tắc "Nhanh, mới, đúng, hay".
Ngoài ra, Hội đồng cũng khuyến nghị các cơ quan chủ quản có hình thức biểu dương phù hợp đối với những tác giả có tác phẩm đoạt giải khi xét lương, khen thưởng định kỳ.
T.C