Đội trinh sát và con chó Sara – cuốn tiểu thuyết tái hiện chân thực hình ảnh người lính trinh sát và chiến dịch ác liệt của quân tình nguyện vào căn cứ Khmer đỏ vừa đoạt giải C, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4. Sách do Sống (Alpha Books) và NXB Lao động phối hợp phát hành.

Là người lính bước ra từ chiến trường K (Campuchia), sau nhiều năm những ám ảnh trận mạc đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Trung Sỹ cho ra mắt cuốn tiểu Đội trinh sát và con chó Sara.

{keywords}
 

Thông qua câu chuyện về chú chó Sara, những tháng ngày chiến đấu khốc liệt, gian khổ cũng như tình nghĩa quân dân, đồng đội được lột tả chân thực nhất qua những mẩu chuyện xung quanh chú Sara và các chiến sĩ Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ.

Khác hẳn với hình tượng hào hùng, bi tráng thường thấy trong thơ văn cách mạng, người lính chiến trong Đội trinh sát và con chó Sara dưới ngòi bút của Trung Sỹ được lột tả rất đời, rất người. Ẩn sau những dí dỏm, tếu táo, những bặm trợn, cục cằn đến thô lỗ là những hào hoa, gan dạ là trái tim biết thổn thức yêu đương; là sự mủi lòng thương cảm trước kẻ địch yếu thế. Là những phút giây phải gạt đi sĩ diện, lý tưởng cao xa để tìm lại sự cân bằng, để giành giật sự sống.

Đại ngàn hoang dại của xứ Chùa Tháp vốn hùng vĩ là thế nhưng ẩn sau nó luôn là vẻ u tịch, chết chóc, là những dữ dằn, khắc nghiệt luôn sẵn sàng nuốt chửng sự sống của con người. Những ngọn đèn dầu le lói trong phum, sóc, những thị trấn heo hút, những nhà ga vắng lặng, những rặng thốt nốt xác xơ, những cánh rừng khộp âm ỉ cháy, những đứa trẻ gầy guộc, những thây người bu quanh bởi ruồi nhặng, côn trùng… Tất cả những ký ức ấy được nhắc lại trong Đội trính sát và con chó Sara là những mảnh ghép chân thực nhất cho thấy sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh. Nó có sức ám ảnh khủng khiếp chẳng kém những trận mưa bom đạn.

{keywords}
Nhà văn Trung Sỹ.

Tác giả Trung Sỹ chia sẻ về việc đã nhân cách hoá chú chó Sara có hành động giống con người để làm nhân vật trung tâm trong sách. "Trong các tiểu thuyết chiến tranh truyền thống, ta thường thấy các nhân vật là người lính. Họ có thể là sĩ quan, chiến sĩ… cùng các diễn biến câu chuyện liên quan với nhau.

Trên chiến trường nước bạn, chúng tôi nuôi rất nhiều chó, có những con đã cứu chúng tôi thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Tại sao không thể coi chúng như một “anh bạn bốn chân”, một nhân vật sinh động. Hơn nữa, như thế sẽ có một góc nhìn khác khách quan, vô tư, sinh động hơn để mô tả thú vị về con người, ở đây là các anh lính tình nguyện. Biết đâu sau này, tôi có thể kể một câu chuyện về những con sáo nữa".

Tác giả cho biết, thông điệp mà ông muốn gửi tới chính là sự hoà bình, yên ổn. "Chẳng ai muốn chiến tranh, chẳng ai muốn xa quê hương xứ sở, chẳng một ai muốn đời riêng bị gom lại nhào nặn trong một xã hội phá vỡ văn hóa truyền thống, thực thi chính sách diệt chủng. Chỉ có tình yêu, tình yêu không biên giới luôn đồng hành và an ủi con người trong cuộc chiến đầy máu và nước mắt, trên con đường tìm kiếm hòa bình", nhà văn Trung Sỹ chia sẻ.

Rõ ràng, chiến trường Tây Nam để lại trong những người lính chiến những ký ức ám ảnh chẳng kém một trận địa khốc liệt nào trên dải đất Việt nhiều thương đau nhưng bao trùm và xuyên suốt trong hình tượng người lính vẫn là tấm lòng yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết đối với gia đình, Tổ quốc, vẫn là ước vọng hòa bình và đoàn tụ...

Tình Lê

Giải C Sách Quốc gia: Giá trị lịch sử của hệ thống Văn Miếu Việt Nam

Giải C Sách Quốc gia: Giá trị lịch sử của hệ thống Văn Miếu Việt Nam

Văn Miếu Việt Nam - Khảo cứu góp phần vào việc tìm hiểu một nền giáo dục trong quá khứ và khám phá những di tích có giá trị lịch sử.