A Lưới là huyện miền núi vùng cao, biên giới phía tây Thừa Thiên Huế, với dân số 14.343 hộ/54.402 khẩu, trong đó hộ người dân tộc thiểu số chiếm 76,8%.
Huyện A Lưới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách 74 huyện nghèo giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022. Đây là 01 trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ- TTg ngày 22/7/2022.
Từ khi được Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025, huyện A Lưới được lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành quan tâm, lãnh chỉ đạo, tập trung nguồn lực của trung ương, địa phương và huy động khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, đặc biệt là về tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế cho người dân giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Trên cơ sở Kế hoạch phân bổ chỉ tiêu phấn đấu của Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã ban hành Quyết định số 03-QĐ/BCĐ ngày 08/6/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022-2025. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%. Với quan điểm chỉ đạo là: "Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”; căn cứ kế hoạch phân bố chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, tổ dân phố, đăng ký danh sách hộ thoát nghèo có địa chỉ.
Từ chỉ tiêu được giao, phấn đấu giảm nghèo theo lộ trình đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là 49,98% (7.022 hộ nghèo), sẽ giảm xuống dưới 12,01% tương đương với 1.784 hộ nghèo vào năm 2025; tỷ lệ bình quân giảm 9,49%/năm; riêng năm 2022 giảm 10,18%; cả giai đoạn 2022-2025 giảm 5.238 hộ, tỷ lệ giảm khoảng 37,96%; cụ thể kế hoạch giảm nghèo từng năm như sau: Năm 2022: giảm 1.430 hộ xuống còn 5.592 hộ nghèo tỷ lệ còn 39,80%; Năm 2023: giảm 1.696 hộ xuống còn 3.896 hộ, tỷ lệ còn 27,73%; Năm 2024: giảm 1.662 hộ xuống còn 2.234 hộ, tỷ lệ còn 15,90%; Năm 2025: giảm 450 hộ còn 1.784 hộ, tỷ lệ còn 12,01%.
Qua 02 năm 2022-2023, toàn huyện đã có 3.537 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ nghèo 25,58%, đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo cuối năm 2023 hoàn thành kế hoạch trước 01 năm.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng tiến độ giải ngân các nguồn vốn trên địa bàn huyện vẫn còn thấp so với kế hoạch. Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nguyên nhân là do một số thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình chưa có chỉ đạo quyết liệt, chưa chủ động đề xuất kịp thời những giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã phân tích thực tế, đánh giá các mặt được, chỉ ra những điểm tồn tại hạn chế trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện A Lưới. Các đại biểu lưu ý địa phương cần bảo đảm tính bền vững, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng, chi tiết để hỗ trợ người dân, nhất là ở các địa bàn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, thời gian này, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân, phân bổ vốn, đảm bảo hoàn thành cơ bản trong năm 2024. Việc giải ngân phải được "áp" vào kế hoạch thực hiện của địa phương.
Thời gian qua, việc giải ngân vốn một số DA còn thấp, nhất là đối với DA hỗ trợ sinh kế. Lý do việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các mô hình sinh kế cộng đồng cấp có thẩm quyền chưa kịp thời. Cuối năm 2023, tỉnh đã ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, nên trong năm 2024 các địa phương thuận lợi tập trung, đẩy mạnh thực hiện các DA hỗ trợ.