Vua đầu tiên của triều Lý có lý lịch rất không rõ ràng. Hiện, các nhà nghiên cứu sử học vẫn tranh cãi về cha ruột của Lý Thái Tổ vì điều này không hề được chép hay xác định trong tất cả các bộ sử cũ của Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC


Theo Việt sử giai thoại, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) ở trên thì được triều thần và sư tăng tôn phò, thay Ngọa Triều bạo ngược mà làm vua để giữ yên thiên hạ; dưới thì chăm lo sức dân, mở thời thái bình cho đất nước. Con người có tầm nhìn xa trông rộng ấy đã sáng lập ra triều Lý (1010 - 1225) và định đô mới cho quốc gia là Thăng Long... Công đức sáng đến muôn đời, vinh quang kể đến tột bậc!

Nhiều giả thuyết

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua họ Lý, húy là người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ là họ Phạm, đi chơi ở chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình nhà Đinh năm thứ 5 (8-3-974)". Thế nhưng, cũng sách trên, ngay cuối tờ lại có đoạn chép rằng: “Vua sinh ra mới được ba tuổi, mẹ ngài bèn ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi”. Với giai thoại đó, nhiều người cho rằng Lý Thái Tổ chính là con của Lý Khánh Văn.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ, một trong những công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong Việt sử tiêu án, nhà sử học Ngô Sĩ Liên lại đưa ra nhiều giả thuyết rằng: “…bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: Thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra vua… Ngoại truyện lại nói: Mẹ vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt bà đang ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra vua…Thế thì thật không biết người nào là cha vua nữa”.

Tuy vậy, có tài liệu lại cho rằng, Lý Thái Tổ là con của thiền sư Vạn Hạnh. Sở dĩ ông mang họ Lý là vì Vạn Hạnh đã "bố trí" cho em ruột của mình là sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi, để hợp thức hóa tên người họ Lý cho người con trai đích thực của mình.

Ai là cha đẻ của vua?

Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu khảo sát để nhận diện lại lý lịch xuất thân của vua Lý Thái Tổ đã hé lộ nhiều chi tiết mới, được cho là khá phù hợp, xác đáng. Rõ ràng, việc bà Phạm Thị Ngà sinh ra Lý Công Uẩn ở làng Dương Lôi thì không ai dám chối cãi, nhưng từ chi tiết đó, có hai khả năng xảy ra: mẹ vua là người Dương Lôi (lấy chồng cùng làng) hoặc bà là người nơi khác đến lấy chồng ở Dương Lôi. Nếu chấp nhận luận điểm rằng, Đình Bảng là quê nội, Dương Lôi là quê mẹ của Lý Thái Tổ như kết luận của các nhà nghiên cứu lịch sử vào cuối thế kỷ XX, thì như vậy, vô hình trung coi thiền sư Vạn Hạnh chính là cha đẻ của Lý Công Uẩn.

Cổng chùa Cổ Pháp, nay thuộc làng Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh, nơi tương truyền Lý Công Uẩn từng sống thời bé. Ảnh tư liệu

Sử sách chép rằng, để tỏ lòng oan của mình, Vạn Hạnh đã chỉ tay vào con hổ đất bên bàn thờ mà thề: "Thân này, tâm này đã tu hành không vọng tưởng gì nữa, nhược bằng không thanh tịnh, mắc tội tà dâm thì xin trời trừng phạt và con hổ kia vẫn là con hổ đất; còn vẫn giữ phép giới siêu thoát thì hổ đất sẽ biến thành hổ thật". Lúc đó, thật kỳ lạ, con hổ đất bỗng rùng mình biến thành hổ thật để Vạn Hạnh cưỡi. Người đời sau đã dựa vào tích đó để tạc tượng Ngài, thờ ở chùa Tiêu, với bài vị khắc: "Lý triều nhập nội, Quốc công tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh".

GS Hoàng Xuân Hãn cho biết: "Vì những lý do riêng, Lý Thái Tổ không muốn công khai lý lịch. Điều quan trọng hơn là muốn lấy sự tin cậy của dân, nên mới bịa ra chuyện con thần. Nhưng đây là điều hoàn toàn không đúng vì chắc chắn vua có bố mẹ đẻ. Bằng chứng là ngay sau lễ lên ngôi (21/1/1009), Lý Thái Tổ đã truy tôn cha là Hiển Thánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu; phong tước cho chú và anh em ruột; đồng thời xuống chiếu làm Ngọc điệp (gia phả nhà vua)". Chung quan điểm, GS.TS lịch sử Nguyễn Quang Ngọc, bổ sung: năm 1018, vua Lý Thái Tổ tiếp tục truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy.

Đền thờ Lý Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà ở Dương Lôi. Ảnh tư liệu

Theo sách Thiền uyển tập anh, ngôi mộ của cha đẻ vua - Hiển Khánh Vương được đặt ở hương Cổ Pháp, với các mốc chuẩn về vị trí. Về sau, cố GS Trần Quốc Vượng đã giải mã và xác định vị trí khá chính xác của ngôi mộ nằm ở cánh đồng làng Dương Lôi. Thiền uyển tập anh còn kể: "Lúc Lý Công Uẩn chưa lên ngôi vua, sư Vạn Hạnh nửa đêm ra thăm mộ Hiển Khánh vương đã gặp ông hiển linh báo cho biết về sự ra đời của triều Lý".

Có thể nói rằng, những thông tin trên đã giúp xác nhận một cách rõ ràng, Vạn Hạnh không phải là cha đẻ của Lý Công Uẩn, mà ông có cha, mẹ, chú, bác và anh em ruột ở làng Dương Lôi. Vua không phải là con hoang, nhưng việc người cha sớm qua đời, đã để lại cho mẹ ông nhiều điều dị nghị, muôn nỗi gian truân. Chính vì vậy, tất cả những thông tin trên chỉ là truyền thuyết, do sự suy diễn hoặc sáng tác của dân gian, chứ chưa có chứng lý rõ ràng. Cách đây 200 năm, các sử gia biên soạn Quốc sử quán triều Nguyễn cũng phải ghi rằng: "Gốc tích họ Lý lờ mờ không khảo được…" và đành khuất phục "xin hãy chép lại để khảo về sau".

Lý Thái Tổ là vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, sau khi lên ngôi đã cho lập 6 hoàng hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”. Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016), Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Như vậy, tổng cộng là 9 hoàng hậu.

Lý Thái Tổ là vị vua duy nhất trong lịch sử cho quân giao chiến với quân nước Nam Chiếu (một quốc gia cổ nay thuộc vùng Vân Nam, Trung Quốc). Cuối năm Nhâm Tý (1012), ông nghe tin báo người Nam Chiếu xâm nhập châu Vị Long (nay thuộc Cao Bằng), bèn sai quân đi đánh, bắt được rất nhiều người và hơn một vạn con ngựa.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng Giêng năm Giáp Dần (1014), 20 vạn quân Nam Chiếu tràn vào châu Bình Lâm (nay cũng thuộc Cao Bằng), vua sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, chém được hơn một vạn đầu, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết.

(Theo Đất Việt)