- Theo như cáo trạng vừa công bố của VKS, thì những nghi vấn về 5 túi nilon màu đen trong vụ BS Cát Tường ném xác bệnh nhân đã có lời giải...
Cái chết bất ngờ
Theo truy tố của VKS, với 24 nhân viên, bác sĩ Tường chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội, mà chỉ có đăng ký kinh doanh do Phòng tài chính kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp và giấy chứng nhận hành nghề cá nhân do Bộ Y tế cấp.
Khoảng 9h ngày 18/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến TMV Cát Tường để làm thẩm mỹ hút mỡ bụng và nâng ngực. Nhân viên ở đây đã viết phiếu thu tiền 50 triệu đồng và hẹn chị Huyền 11h hôm sau đến để tiến hành phẫu thuật.
Thẩm mỹ viện Cát Tường, nơi xảy ra vụ việc đau
lòng. |
Y hẹn, 11h ngày 19/10, chị Huyền đi xe máy BKS: 30K2-8747 đến TMV Cát Tường.
Khi đi chị Huyền mang theo 1 túi xách, bên trong có 2 điện thoại di động (1 chiếc Iphone 5 và 1 Nokia), 500.000 đồng và một số đồ dùng cá nhân.
Sau thử HIV, thử phản ứng thuốc tê, bác sĩ Tường hỏi chị Huyền có tiền sử bệnh gì không thì nhận được câu trả lời: Không có bệnh lý gì.
Tường sát trùng vùng bụng và ngực rồi tiêm thuốc gây tê đã pha từ trước vào hai bên hông, sau đó dùng dao mổ chích 2 bên thành bụng (mỗi bên 1 mũi) có kích thước khoảng 0,2cm và tiêm 4 chai thuốc gây tê đã pha từ trước vào bụng để gây tê toàn vùng bụng của chị Huyền.
Ông bác sỹ đã dùng xi lanh loại 50ml cắm vào thành bụng (phần dưới da), hút được 11 xi lanh mỡ thành bụng.
Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra. |
Sau khoảng 5-10 phút, chờ cho mỡ trong xi lanh lắng xuống, ông bác sỹ đã bơm bỏ nước gạn lấy mỡ, rồi sau đó bơm 11 xi lanh mỡ vào ngực chị Huyền. Đến khoảng 16h cùng ngày thì công việc hoàn tất.
Bác sĩ Tường bảo các nhân viên đưa chị Huyền ra phòng ngoài để nằm nghỉ. Khoảng 30 phút sau, thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép, ông Tường tiêm 1 mũi an thần thì thấy chị Huyền bình thường.
Lúc này, BS Tường cùng với bạn là chị Phạm Thị H. (SN 1982) đến chùa Quán Sứ - Hà Nội để đi lễ.
Khoảng 17h45' ngày 19/10/2013, nhân viên của TMV Cát Tường gọi điện báo cho Tường biết chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.
BS Tường chỉ định cho nhân viên tiêm cho chị Huyền 2 ống thuốc trợ tim loại Adenalin 2ml và 2 ống thuốc dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.
Sau đó, Tường gọi điện cho anh Nguyễn Quang T., bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai (làm cùng khoa với Tường) đến TMV Cát Tường để cấp cứu chị Huyền.
Khi BS Tường đi ô tô về TMV, chị Huyền lúc đó đã ở trong tình trạng mặt tím, không có nhịp tim.
BS Tường đã cùng anh T. cấp cứu, đặt nội khí quản cho chị Huyền, bóp bóng và bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim nhưng không có kết quả. Chị Huyền đã tử vong sau đó.
Đến khoảng 23h30' cùng ngày, BS Tường cùng một số nhân viên đã đưa thi thể chị Huyền lên cầu Thanh Trì, Hà Nội và ném xác nạn nhân xuống sông Hồng.
Chỉ đạo nhân viên tìm cách phi tang
Trong một diễn biến khác, thấy nạn nhân tử vong, ông Tường đã chỉ đạo các nhân viên thu dọn, tháo dỡ toàn bộ đồ đạc của Trung tâm mang đi cất giấu.
Nhân viên Đào Quang Khánh tham gia tích cực trong việc phi tang thi thể chị Huyền xuống sông Hồng. |
Riêng chăn ga, quần áo bệnh nhân có chữ Bệnh viện Bạch Mai được cho vào 5 túi nilon màu đen, có trọng lượng khoảng 7kg và 1 bọc ga trải giường. Tất cả vật dụng đó, các nhân viên thuê xe ô tô taxi chở đến chân cầu Vĩnh Tuy vứt tại đó.
Ngày 20/10/2013, sợ bị lộ, BS Tường bảo Đào Quang Khánh (bảo vệ TMV) đến chân cầu Vĩnh Tuy nhặt lại túi đựng đồ mà các nhân viên vứt vì vải trải giường có in chữ Bệnh viện Bạch Mai.
Khánh đồng ý và dùng 400.000 đồng thuê anh Hoàng Văn Chính (SN 1964, ở Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định), là lao động tự do đến chân cầu Vĩnh Tuy tìm.
Khoảng 18h cùng ngày, Khánh và anh Chính tìm thấy đồ. Khánh cho 5 túi nilon màu đen bên trong có chứa vải trải giường, áo bác sỹ,… vào bao tải mang về và được nhận từ ông Tường 5 triệu đồng.
Cùng trong thời gian này, BS Tường bảo các nhân viên tháo ổ cứng máy vi tính của TMV Cát Tường, sau đó mang đầu thu camera đến khu vực Long Biên vứt xuống sông.
5 ổ cứng vi tính được mang đến hồ Hoàng Cầu vứt.
Đã 4 tháng trôi qua nhưng người nhà nạn nhân vẫn tìm kiếm thi thể. |
Đến ngày 21/10/2013, BS Tường và Khánh bị bắt giữ.
VKS cho rằng, một số nhân viên Trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp bị can Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền, nhưng do Tường phạm tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, là tội phạm thực hiện với lỗi vô ý nên không có căn cứ xử lý đồng phạm theo điều 20 BLHS.
Nhân viên Trung tâm thẩm mỹ đã có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, nhưng do bị can Tường phạm tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, là tội phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 313BLHS và 314 BLHS cho nên hành vi của các đối tượng này không cấu thành tội Che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.
Đối với ông Nguyễn Quang T., bác sỹ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai, người được ông Tường gọi đến TMV giúp cấp cứu chị Huyền, nhưng chị Huyền tử vong.
Sau khi chị Huyền tử vong, ông T. không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của ông Thành không cấu thành tội. Cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.
T.Nhung