- Đến hẹn lại lên, lễ trao giải IgNobel, giải thưởng thường niên nhại lại giải Nobel danh tiếng, hay còn gọi là "giải Nobel ngớ ngẩn", vừa diễn ra tại nhà hát Sanders của Đại học Havard, Mỹ nhằm vinh danh các nghiên cứu khoa học "đầu tiên làm con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ”. Trong đó, khám phá về việc bị ong đốt ở vùng gốc dương vật là đau nhất đã giành được một trong những giải thưởng quan trọng của Ig Nobel 2015.


{keywords}
Các nhà nghiên cứu lên sân khấu nhận giải Ig Nobel Quản lý 2015. Ảnh: Live Science

Các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên và cả các học giả thắng giải Nobel thực sự từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ ở Đại học Havard để tham dự lễ trao giải IgNobel thường niên lần thứ 25 vào năm nay.

Nhà côn trùng học Justin Schmidt và nhà nghiên cứu Michael Smith đến từ Đại học Cornell đã thắng giải "IgNobel Sinh lý học và Côn trùng học" vì các thí nghiệm táo bạo của họ, nhằm tìm hiểu xem bị ong đốt đau đến mức nào và ong đốt ở vị trí nào trên cơ thể là đau đớn nhất. Bản thân nhà nghiên cứu Smith đã ấn những con ong vào nhiều phần khác nhau trên cơ thể mình cho tới khi chúng đốt ông, với 5 vết đốt/ngày và tổng cộng 25 vị trí cơ thể khác nhau bị đốt trong suốt 38 ngày.

Ông đánh giá cơn đau tăng dần theo thang điểm từ 1 - 10. Cuối cùng, ông phát hiện, những nơi bị ong đốt đau nhất là mũi, môi trên và gốc dương vật.

Xuất hiện trên sân khấu của lễ trao giải cùng ông Smith là chuyên gia Schmidt, người cũng đã hy sinh nhiều phần cơ thể mình cho khoa học trong suốt hàng chục năm nghiên cứu về các côn trùng đốt, chích. "Chỉ số đau vì bị côn trùng đốt" của ông Schmidt chỉ đánh giá theo thang điểm từ 1 - 4, nhưng nó cũng cho thấy các mô tả chi tiết, sống động của nhà côn trùng học này về 78 loại vết đốt/chích khác nhau.

Ngoài bộ đôi Schmidt và Smith, 9 công trình nghiên cứu và nhóm tác giả dưới đây cũng được vinh danh tại các hạng mục trao giải còn lại của IgNobel 2015:

IgNobel Sinh vật học thuộc về các nhà khoa học Chile đã thực hiện thí nghiệm với đuôi của một con gà. Bằng cách gắn thêm một mảnh đuôi nhân tạo vào thân gà, họ đã có thể dịch chuyển trọng lực của con vật về phía sau. Kết quả này ủng hộ một giả thuyết về sự di động của các con khủng long khổng lồ, vốn hầu hết là khủng long ăn thịt, đứng bằng 2 chân.

IgNobel Hóa học vinh danh cách nhà hóa học đã thực hiện một việc dường như "bất khả thi" - đảo ngược về trạng thái sống một phần của quả trứng đã luộc chín kỹ. Trong thí nghiệm ma thuật nhưng không vi phạm bất cứ quy định nào của giới khoa học, nhóm nghiên cứu đã luộc chín kỹ lòng trắng của một quả trứng sao cho các protein của nó gấp nếp và tháo rời thành một dạng hỗn loạn, không có trật tự. Sau đó, họ sử dụng năng lượng cơ khí từ một thiết bị dịch xoáy lốc để buộc các protein này tái gấp về hình dạng ban đầu của chúng. Khám phá được cho là có nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, đặc biệt là tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho việc phát triển thuốc.

IgNobel Văn học về tay cho 3 học giả về ngôn ngữ của Mỹ, Bỉ và Hà Lan, những người đã phát hiện bằng chứng rằng cụm diễn đạt "Hử/hở/hả?" hoặc tương đương thực chất là một từ tồn tại ở mọi loại ngôn ngữ của con người, hoặc ít nhất cả 10 ngôn ngữ mà họ nghiên cứu. Từ này được sử dụng khi ai đó không nghe rõ người khác vừa nói gì.

IgNobel Y học chẩn đoán vinh danh các bác sĩ Anh, những người đã nghiên cứu 67 bệnh nhân lái xe đến bệnh viện và rút ra kết luận rằng, lái xe đè lên các gờ giảm tốc trên đường có thể khiến bạn cười khúc khích hoặc khóc trong đau đớn. Tiếng kêu đau đó hóa ra có thể được sử dụng như một tiêu chuẩn giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp tính.

Ig Nobel Quản lý được trao cho 3 nhà nghiên cứu Italia, Mỹ và Anh vì phát hiện rằng, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã ham thích sự mạo hiểm từ thời thơ ấu, khi họ trải nghiệm các thảm họa tự nhiên như động đất, núi lửa phun trào, sóng thần hay cháy rừng và không hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nào với cá nhân.

Ig Nobel Kinh tế thuộc về Sở cảnh sát Bangkok, Thái Lan vì đề xuất trả thêm tiền thưởng cho các cảnh sát từ chối nhận hối lộ.

Ig Nobel Y học vinh danh hai nhóm nghiên cứu, một ở nhật và một ở Slovakia vì các thí nghiệm nhằm điều tra về các lợi ích hoặc hậu quả y sinh của nụ hôn say đắm.

Ig Nobel Toán học được trao cho hai nhà nghiên cứu người Áo và Đức vì những cố gắng sử dụng các công cụ toán học để xác định xem liệu Hoàng đế Moulay Ismael khát máu của Morocco có thể và bằng cách nào trở thành cha của 888 đứa con chỉ trong vòng 30 năm, từ năm 1697 đến năm 1727.

Ig Nobel Vật lý về tay hai nhà nghiên cứu Mỹ gốc Đài Loan vì phát hiện rằng, hầu hết động vật có vú đều xả rỗng bàng quang trong khoảng 21 giây (± 13 giây).

Giải Ig Nobel là giải “nhại” theo giải Nobel và còn được gọi là giải "Nobel ngớ ngẩn". Giải thưởng này được trao cho những khám phá bất ngờ và gây cười ("đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”) thuộc các lĩnh vực tương tự giải Nobel “thật” như vật lý, hóa học, sinh lý học hay y học và bổ sung thêm sức khoẻ cộng đồng, kĩ thuật, và một số ngành khoa học khác.

 Giải Ig Nobel được tổ chực chọn lựa và trao bởi tạp chí Annals of Improbable Research (Biên niên Nghiên cứu “bất khả thi”). Giải thưởng chỉ là một chiếc cúp tượng trưng và một tờ giấy chứng nhận. Người thắng giải phải tự túc mọi mặt khi đến dự trao thưởng.

 Danh sách những “nhà Ig Nobel” được công bố và trao tặng hàng năm vào đầu mùa thu, trước và gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố. Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991.

 Trong lịch sử giải Ig Nobel có trường hợp đặc biệt là nhà Vật lý gốc Nga, Andre Geim, trở thành người đầu tiên nhận được cả 2 loại giải: Nobel truyền thống (năm 2010) và Ig Nobel (năm 2000). Điều này chứng tỏ tầm trí tuệ ở cả các tác giả của giải Ig Nobel.

Tuấn Anh (Theo Telegraph, Live Science, improbable.com)