Ông Nguyễn Sỹ Nam (59 tuổi, Tân Phú, Đồng Nai) cho biết năm 2019, con gái ông bị tai nạn giao thông. 12h đêm, ông đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện huyện.
Sau 2 tiếng cấp cứu, chụp chiếu, xét nghiệm, bác sĩ chỉ định chuyển lên tuyến trên do bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Cô gái được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai). Hai tiếng sau, tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
“Tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói con tôi cần theo dõi 2-3 ngày. Lúc đó, con vẫn hôn mê nên tôi rất lo, xin được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi tư vấn, giải thích, bác sĩ cho chuyển viện nhưng yêu cầu tôi ký giấy cam kết. Con tôi được chuyển đi và phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy, lấy một mảnh nắp hộp sọ nuôi cấy, có giấy hẹn 3 tháng sau lên ghép”, ông Nam nhớ lại.
Trước ngày hẹn, ông Nam được hướng dẫn cần có giấy chuyển tuyến để lên TP.HCM. Ông Nam cùng con đến bệnh viện huyện xin giấy. Cô yên lặng sau lưng cha suốt chặng đường gần 60km cả đi và về bằng xe máy. Trên đầu cô là một vết hõm sâu sau ca mổ.
Hôm sau, hai cha con dậy sớm đi xe khách hơn 100km lên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) xếp hàng, nhận giấy chuyển tuyến rồi đón xe lên TP.HCM.
“Đến nay, tôi vẫn băn khoăn vì sao có giấy hẹn của Bệnh viện Chợ Rẫy mà vẫn phải đi qua 2 nơi để xin giấy chuyển viện. Bác sĩ nói thủ tục này giúp con tôi được hưởng Bảo hiểm y tế, nếu không sẽ rất tốn kém. Sao không bớt thủ tục để bệnh nhân đỡ đi lại", ông Nam tâm sự.
Quy định xin giấy chuyển viện đã có nhiều thay đổi
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), giấy chuyển tuyến là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật. Những phiền toái khi xin giấy chuyển tuyến đã được cải thiện nhờ các quy định mới. Ông Thức lấy ví dụ trước đây, khi bệnh viện tuyến dưới làm giấy chuyển tuyến, bác sĩ tuyến trên chỉ định điều trị gì cho bệnh nhân thì số tiền này cũng bị tính vào quỹ bảo hiểm của bệnh viện tuyến dưới. Để tránh nguy cơ vỡ quỹ, bệnh viện phải siết chặt việc chuyển tuyến. "Còn hiện nay, tất cả đưa về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý nên bệnh viện tuyến dưới thoáng hơn trong chuyển viện", ông nói.
Một thay đổi quan trọng khác là trước đây, khi chuyển viện lên tuyến trên, tháng nào bệnh nhân cũng phải xin giấy chuyển viện. Còn nay, người bệnh xin giấy chuyển viện ở thời điểm nào trong năm cũng sử dụng luôn cho đến hết đợt điều trị. Khi hết năm, bệnh nhân mới phải xin lại giấy khác.
Do đó, theo Tiến sĩ Thức, hiện tại nếu người bệnh đang trong đợt điều trị, có giấy hẹn tái khám của Bệnh viện Chợ Rẫy thì không cần giấy chuyển tuyến, nhưng sau ngày 31/12 phải xin lại giấy này. "Điều cần khắc phục hiện nay là bác sĩ phải nâng cao trình độ chuyên môn và cải thiện thái độ giao tiếp, góp phần giải quyết chuyển tuyến đúng trường hợp và đúng thời điểm", ông Thức chia sẻ.
Quy định chi trả BHYT trái tuyến và vượt tuyến theo mức hưởng cụ thể:
Tuyến y tế | Mức hưởng |
Tuyến huyện, xã | 100% |
Tuyến tỉnh | 100% |
Tuyến trung ương | 40% |
Bác sĩ V., Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp một bệnh viện ở TP.HCM, cũng cho rằng giấy chuyển tuyến có 2 ý nghĩa chính: Xác nhận việc điều trị người bệnh đã vượt khả năng tuyến trước và cung cấp thông tin bệnh nhân cho bác sĩ tuyến trên để trao đổi chuyên môn.
Ông khẳng định nếu làm đúng, xin giấy chuyển tuyến không phức tạp. “Những phàn nàn, khúc mắc không hẳn nằm ở tờ giấy chuyển tuyến. Chúng ta cần nhìn cả 2 phía”, bác sĩ này nói.
Theo bác sĩ V., đa số "phàn nàn" phát sinh khi người bệnh muốn chuyển viện nhưng bác sĩ không muốn. Lý do của bác sĩ là chúng tôi đủ khả năng điều trị. Còn hầu hết người bệnh có tâm lý muốn lên tuyến cao nhất với bác sĩ giỏi, thuốc tốt.
Để lên tuyến cao nhất, người bệnh phải đi qua các bệnh viện huyện, tỉnh để hưởng tối đa quyền lợi Bảo hiểm y tế. Người bệnh xem giấy chuyển viện là thủ tục để vào bệnh viện trung ương, ví dụ như Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Bản chất giấy này là để chứng minh người bệnh đã vào bệnh viện tỉnh rồi nhưng quá chuyên môn nên mới lên Bệnh viện Chợ Rẫy”, bác sĩ V. giải thích. Ông cho rằng người bệnh đang hiểu sai bản chất của văn bản này.
Ngoài ra, khi bệnh nhân tự đi khám ở bệnh viện tuyến trung ương và có chỉ định nhập bệnh, sẽ được hưởng 40% chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nếu có giấy chuyển tuyến, bệnh nhân được hưởng tối đa quyền lợi (100%) nên nhu cầu về tờ giấy này cũng cao hơn.
“Vì nhu cầu như thế nên có khi còn xảy tình huống người này người kia ở viện được bệnh nhân chi một khoản để cấp tờ giấy chuyển tuyến. Mâu thuẫn, bức xúc, phàn nàn, tiêu cực sẽ phát sinh", ông nói.
Để giải quyết, vị bác sĩ này cho rằng quan trọng nhất là bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh phải chứng minh năng lực chuyên môn của mình để bệnh nhân yên tâm ở lại, không tự đòi lên thẳng tuyến trên. Trường hợp bệnh nhân tự muốn lên tuyến trên thì chấp nhận mất quyền lợi về chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, sắp tới, giấy chuyển tuyến sẽ được làm theo hình thức điện tử, nhưng đây chỉ là vấn đề về mặt hình thức. "Điều quan trọng là các quy định chuyển tuyến đã có nhiều thay đổi, giúp giảm phiền hà đáng kể cho người bệnh", ông chia sẻ.
Giải pháp lâu dài giúp giảm nhu cầu chuyển viện
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), không thể bỏ giấy chuyển tuyến hay việc phân tuyến điều trị. Nhưng để giữ người bệnh lại phụ thuộc vào ngành y.
Bác sĩ Vũ cho rằng cần phải siết đào tạo sinh viên y khoa để đồng đều năng lực, các bệnh viện cần tạo điều kiện cho bác sĩ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo chất lượng điều trị ở từng tuyến. Thậm chí, ngay ở trạm y tế, bác sĩ hoàn toàn có thể theo dõi, kê thuốc cho bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định nếu quy định được nới lỏng và danh mục thuốc được bổ sung.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), hiện nay đã có sự nới lỏng theo quy định thông tuyến quận huyện và thông tuyến tỉnh, nhưng về cơ bản, bệnh nhân cũng phải đến cơ sở khám chữa bệnh để làm thủ tục chuyển tuyến.
“Với các quy định hiện hành, việc cải cách ở đây chỉ có thể là việc liên thông thông tin giữa các cơ sở y tế thông qua cổng thông tin bảo hiểm y tế. Khi đó, giấy chuyển tuyến sau khi hoàn tất tại bệnh viện chuyển đi thì đã được gửi lên và chấp thuận tại bệnh viện chuyển đến. Nhờ vậy, giúp người bệnh hạn chế phải chờ đợi đăng ký nhiều lần, nhiều cơ sở”, ông nói.
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho biết trong giai đoạn hiện nay nếu bỏ giấy chuyển viện sẽ khó kiểm soát. Tuyến trung ương vốn đã quá tải nếu không cần giấy chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ có tâm lý dồn về tuyến trên gây quá tải quá mức cho hoạt đông.
Vì vậy, PGS Cơ cho rằng việc dùng giấy chuyển viện vẫn cần duy trì. Hiện nay, các tình huống không cần dùng giấy chuyển viện như bệnh nhân cấp cứu như tai nạn giao thông, các bệnh nhân vào viện trong tình trạng cấp cứu đều được hưởng chế độ BHYT cấp cứu theo quy định. Bệnh nhân không cần quay về cơ sở để xin giấy chuyển viện.
Đối với Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cấp cứu tới bệnh viện vẫn hưởng chế độ theo quy định của BHYT. Vị lãnh đạo này cho rằng về biện pháp lâu dài để giảm chuyển viện cần được thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, các bệnh viện tuyến trên cần đẩy mạnh công tác Đào tạo chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở. Khi đó, các địa phương có thể làm chủ nhiều kỹ thuật trong khám chữa bệnh, người dân hạn chế được việc chuyển tuyến.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các đề án như 1816, bệnh viện vệ tinh vẫn được triển khai thường xuyên với thế mạnh là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt, Bệnh viện còn chủ động ký kết hợp tác hỗ trợ toàn diện với các tỉnh, chuyển giao, đào tạo kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu cho các tỉnh. Mô hình này đã và đang thành công ở nhiều tỉnh điển hình là Yên Bái.
Sau ký kết hợp tác hỗ trợ toàn diện đến nay tỉnh Yên Bái đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu người dân an tâm điêu trị tại các bệnh viện trên địa bàn của tỉnh, hạn chế được chuyển tuyến (theo thống kê tỷ lệ chuyển tuyến giảm rất nhiều so với các năm trước đây). Vừa qua, bệnh viện tiếp tục ký kết hỗ trợ toàn diện cho các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình… Tới đây, mô hình này sẽ được bệnh viện triển khai ở nhiều địa phương.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số, trong công tác khám chữa bệnh bao gồm cả việc chuyển đổi số giấy chuyển viện. Chuyển đổi số các thông tin về người bệnh, kết quả cận lâm sàng, quá trình điều trị, tiền sử đầy đủ chuyển qua hệ thống công nghệ thông tin. Như vậy, người bệnh không cần làm lại các xét nghiệm, kỹ thuật cận lâm sàng giúp giảm chi phí. Bác sĩ tuyến trên không mất nhiều thời gian nhập dữ liệu. Các cơ sở y tế phát triển chuyển đổi số có thể chuyển tuyến qua online giảm phiền hà cho bệnh nhân. Ngoài ra, các hình thức khám chữa bệnh trực tuyến, hội chẩn trực tuyến cũng là biện pháp giảm nhu cầu chuyển tuyến của người bệnh.
Thứ ba, cần quy định các tình huống đặc biệt. Phó giáo sư Cơ đề xuất các cơ quan chức năng có thể xem xét các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý phức tạp cần phải nhập viện tuyến trên. Khi người dân đã đi khám ở tuyến trên phát hiện ra, có chỉ định can thiệp, điều trị chuyên sâu cần có quy định riêng, người dân không cần quay lại tuyến dưới làm thủ tục chuyển tuyến.
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 14/2014/TT-BYT, thủ tục chuyển việc sẽ thực hiện theo các bước như sau: Bước 1: Cơ sở khám chữa bệnh thông báo và giải thích lý do cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp cho người bệnh biết; Bước 2: Cơ sở khám chữa bệnh ký giấy chuyển tuyến; Bước 3: Làm các thủ tục kiểm tra trước khi chuyển viện cho bệnh nhân; Bước 4: Bàn giao giấy chuyển viện cho bệnh nhân; Bước 5: Bàn giao giấy chuyển viện cho cơ sở khám chữa bệnh mới. |