Giải pháp 3S iFACTORY là một trong 5 sản phẩm thuộc ngành công nghệ thông tin được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về đảm bảo tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
Với 3S iFACTORY, doanh nghiệp sẽ thiết lập được một chu trình hoạt động có sự liên kết chặt chẽ từ đầu đến cuối, tạo ra một dòng chảy dữ liệu thông suốt cho từng bộ phận. Đồng thời, 3S iFACTORY giúp các doanh nghiệp sản xuất tối ưu hóa bài toán S-Q-C-D (Tốc độ- chất lượng – chi phí – tiến độ).
Bên cạnh đó, ứng dụng còn trang bị tính năng cảnh báo sự cố, góp phần làm giảm thiểu tỷ lệ sản phẩm không đạt chuẩn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng. Cụ thể, quá trình tạo ra sản phẩm sẽ luôn được theo dõi và kiểm soát thông qua công nghệ IoT. Ngay khi phát hiện ra những bất thường ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hệ thống sẽ tự động đưa ra các cảnh báo sớm. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể xác định sự cố và khắc phục một cách kịp thời. Đảm bảo chất lượng sản phẩm ở đầu ra cuối cùng.
Nhà máy thông minh (smart factory) là hướng đi mới của ngành sản xuất công nghiệp. Đây là hệ thống có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất và kinh doanh để tự học và thích nghi theo nhu cầu mới của thị trường. Hiểu đơn giản, smart factory là kết nối giữa phần mềm ứng dụng với hệ thống máy móc, thiết bị được kết nối internet. Dữ liệu của chúng được tổng hợp và phân tích bằng những phần mềm lập trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho việc hỗ trợ ra quyết định trong việc quản lý và điều hành nhà máy.
Trong một nhà máy thông minh thực sự, toàn bộ máy móc, tài sản đều được lắp đặt cảm biến thông minh nhằm giúp hệ thống có thể truy xuất liên tục các dữ liệu để đảm bảo dữ liệu được cập nhật liên tục và đầy đủ giúp phản ánh tình trạng hiện tại.
Tại các nhà máy thông minh, máy móc được kết nối internet và liên kết nhau qua hệ thống. Tính năng quan trọng nhất của nhà máy là sự kết nối. Các máy móc thiết bị, cảm biến, robot và dữ liệu, nhân lực,… đều phải kết nối với nhau mới có thể thực hiện thông minh và hiệu quả.
Doanh nghiệp áp dụng phương thức sản xuất thông minh (dây chuyền lắp ráp ô tô do các robot đảm nhiệm), xưởng thông minh. Nhà máy áp dụng hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy đảm bảo thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất.
Bằng các công nghệ mới, mọi hoạt động được tối ưu hóa, giảm sự can thiệp bằng tay, quy trình sản xuất được minh bạch từ A đến Z, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng đảm bảo độ tin cậy cao. Và đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Theo bà Yen Nee Goh, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam và Indonesia, các mô hình nhà máy thông minh sẽ phát triển mạnh trong vòng 5 năm tới, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của khu vực. Ngành sản xuất thông minh toàn cầu ước đạt 384,8 tỷ USD vào năm 2025, gần gấp đôi năm 2020.
Bộ Công thương và Samsung đã hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh, đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Sau gần 3 tháng thực hiện (12/4 - 7/7/2022), Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Các chuyên gia tư vấn Việt Nam đã cùng các chuyên gia tư vấn của Samsung Hàn Quốc, trực tiếp tham gia khảo sát, đánh giá và tư vấn các doanh nghiệp tại hiện trường.
Dự án cũng đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 14 doanh nghiệp bao gồm 7 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, 2 doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, 3 doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội, 1 doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên và 1 doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam và đạt nhiều kết quả cải tiến khả quan.