Đã 7 thập kỷ trôi qua nhưng thành quả của ngày vui “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”… còn đọng mãi, vẫn còn nguyên giá trị trong tâm trí nhiều cựu chiến binh. Những chiến sĩ năm xưa thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản Thủ đô đến nay đều đã cao tuổi, đầu bạc trắng.

Đại tá Dương Niết, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không - Không quân) thuộc Đại đoàn 308 - "Đại đoàn Quân Tiên Phong" vẫn không quên những ngày thu tháng 10 cách đây 68 năm.

Tháng 8/1954, Đại đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 19 đến 22 được lựa chọn để làm nhiệm vụ đặc biệt đó, Đại tá Niết năm đó chỉ mới 20 tuổi.

Đại tá Dương Niết (89 tuổi) xem lại những hình ảnh tư liệu của năm tháng giải phóng Thủ đô.

Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ vào trước các vị trí Pháp đóng quân ở Hà Nội để bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại; bảo đảm cơ sở hạ tầng của thành phố để khi bộ đội chính quy vào tiếp quản được nguyên vẹn, đặc biệt cơ sở điện nước; bên cạnh đó là không để chúng cưỡng bức dân di cư trước khi rút khỏi Hà Nội.

Đại tá Dương Niết kể lại tình hình khi đó: “Tinh thần của quân Pháp ở Hà Nội đã rất hoang mang, dao động nhưng vẫn đề phòng ta, yêu cầu bên ta mấy vấn đề. Đó là không có bộ đội chính quy vào tiếp quản mà chỉ cho cảnh vệ vào. Chúng tôi thuộc đơn vị chủ lực của quân đội, lại vừa chiến đấu ở Điện Biên Phủ về, nên phải đóng giả làm cảnh vệ Hà Nội để tiếp quản”.

Pháp yêu cầu những người vào tiếp quản chỉ mang theo tiểu liên tuyn (chiến lợi phẩm thu được của Pháp), không mang súng trường, trung liên và lựu đạn vì những loại vũ khí này gây lo ngại cho lính Pháp khi phải tiếp cận với quân ta.

Ngoài súng đạn và những trang bị cần thiết cho sinh hoạt, những chiến sĩ mang theo một cái chổi đề phòng khi tiếp quản, công ty vệ sinh chưa làm việc thì có chổi quét đường, giữ cho thành phố luôn sạch sẽ.

Ngày 11/9/1954, tiểu đoàn bắt đầu đi từ Sơn Tây (Phùng) qua đò Châu Phan sang Chi Đông, Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ để học tập 10 điều kỷ luật và các chính sách ở vùng mới giải phóng của Chính phủ. Ngày 7/10/1954, đoàn quân hành quân về làng Vân ở sát bốt phía bắc cầu Đuống và nghỉ đêm tại đây.

Nhân dân Hà Nội trang trí đường phố, chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954.

“Tối đến, bà con làng Vân rất phấn khởi đón chúng tôi. Biết ngày mai tiểu đoàn sẽ sang Hà Nội sớm, bà con lo bữa ăn sáng cho chúng tôi, người mang gà, người mang rau đến... Anh nuôi từ chối mãi không được. Qua đây mới thấy được tình quân dân thắm thiết như thế nào, nhân dân mong mỏi, chờ đón bộ đội biết bao”, ông Niết xúc động kể lại nghĩa tình quân dân mà ông không bao giờ quên ngày vào Thủ đô.

Theo Hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón tiểu đoàn tại cầu Đuống. Đúng 8 giờ sáng ngày 8/10/1954, quân ta đã có mặt phía bắc cầu Đuống. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan của Pháp ra mời đoàn tiếp quản vào cầu. Bầu trời Hà Nội hôm ấy đầy mây, gió mùa đông bắc tràn về thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ.

Lấy lý do trời mưa, viên quan ba Pháp yêu cầu các xe phủ bạt kín nhưng thực ra họ muốn dân trong nội thành không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng khi đến Gia Lâm, một số chiến sĩ ngồi ở đầu xe vén bạt, nhô đầu ra ngoài, nhân dân nhìn thấy bộ đội, ùa ra đường vẫy chào.

Đến Hà Nội, xe đưa tiểu đoàn về tập kết tại trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Viện Quân y 108). Tại đây, tiểu đoàn của ông Niết được chia thành 35 tổ, mỗi tổ 3 đến 5 người, đứng thành đội ngũ chỉnh tề. Một nữ phóng viên người Pháp liên tục đưa ống kính về phía bộ đội ta để ghi lại những hình ảnh mà bà chưa từng thấy bao giờ.

Quân đội Việt Nam tiếp quản bốt Hàng Trống (Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội).

35 vị trí đều là những vị trí quan trọng, Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội, như: Phủ toàn quyền, tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai.

Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác thì việc đầu tiên chúng phá chính là những nơi này. Do đó, bằng bất cứ giá nào tiểu đoàn Bình Ca cũng phải bảo vệ, giữ chặt, không để chúng cưỡng bức dân di cư, không cho phá hoại hoặc lấy đi bất cứ thứ gì.

35 trận địa trọng yếu không tiếng súng

35 trận địa, diễn ra 35 cuộc chiến đấu không có tiếng súng nhưng rất gay go, phức tạp. Đại tá Dương Niết phân tích, “gay go ở chỗ, đây là cuộc đấu tranh một mất một còn”, kẻ địch muốn phá hoại hoặc lấy hết tài sản mang đi; ta thì muốn giữ lại tất cả. Phức tạp chỗ đóng quân phân tán, tương quan lực lượng không có lợi cho ta, mỗi nơi địch có hàng trung đội, tiểu đội, ta chỉ có từ 3 đến 5 người, nơi đông nhất mới có một tiểu đội.

Chỉ huy ở xa, phương tiện giao thông liên lạc không có, từng bộ phận phải độc lập tác chiến. Phương thức đấu tranh cũng không đơn giản, phải tránh nổ súng, chỉ bằng hành động và lời lẽ để thuyết phục, nhưng ngôn ngữ bất đồng.

Đại tá Dương Niết khẳng định, khi tiếp quản Thủ đô, dù địch có thực hiện âm mưu gì nhưng bộ đội ta vẫn quyết tâm phá tan.

Mặc dù vậy, tiểu đoàn vẫn hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ được dân và quyết tâm giữ lại được toàn bộ tài sản các nơi đến, không để địch phá hoặc lấy đi. Sau khi ta tiếp quản, điện, nước không bị cắt, mọi sinh hoạt, hoạt động của thành phố vẫn bình thường.

Không phải chỉ có âm mưu phá hoại vật chất, chúng còn dùng nhiều cách để dụ dỗ bộ đội ta đi vào Nam. Khi đến Sở Cảnh sát Bắc Việt trên đường Trần Hưng Đạo, nay là trụ sở Công an TP Hà Nội, những chiến sĩ tiếp quản thấy địch đã căng một băng khẩu hiệu rất to trên lan can tầng 2, cắt bằng giấy vàng dán trên vải đỏ với nội dung: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (ông Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta).

Ông Dương Niết kể: “Đây là một thủ đoạn thúc ép dân di cư. Chúng tôi đã đấu tranh yêu cầu gỡ xuống và chúng đã phải làm theo. Trắng trợn hơn, chúng còn dùng thủ đoạn để lôi kéo anh em ta”.

"Ngày 9/10, anh Nguyễn Văn Phiên ở tổ cảnh sát Bắc Việt vừa mới bước ra cửa, có một phụ nữ từ đâu chạy tới, ôm chầm lấy, khóc nức nở, trách móc: “Anh ơi, anh đi đâu lâu thế mà chẳng nói năng gì với em?".

Nhân dân xung quanh thấy một anh bộ đội và cô gái như vậy xúm lại rất đông. Đồng chí Phiên ngớ người, không biết chuyện gì. Sau có một người dân hỏi mới biết cô ta ở Hải Dương, còn đồng chí tên Phiên thì ở Nghệ An (đồng chí Phiên nói tiếng Nghệ An). Mọi người ồ lên: “Cô nhầm rồi”. Lúc đó cô ta mới buông đồng chí Phiên ra rồi lặng lẽ bước đi”, ông Dương Niết kể.

Niềm vui của người dân khi chào đón đoàn quân trên phố Đinh Tiên Hoàng

Đúng 16h30 ngày 9/10, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, cả Hà Nội tràn ngập cờ hoa sắc áo. Băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu cắt rất đẹp: “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về"... Cổng chào đăng đèn, hoa mọc lên khắp các phố.

Ngày 10/10/1954, một ngày lịch sử, 5h sáng, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp đón ngày hội lớn - ngày hội chiến thắng, Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Ảnh tư liệu nhà tù Hỏa Lò

Hà Nội, những ngày tháng kiên cường

Hà Nội, những ngày tháng kiên cường

60 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Thủ đô đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đoàn kết một lòng, đương đầu với mọi thử thách khốc liệt, xây dựng Hà Nội thành thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình.