Tại tỉnh Tuyên Quang, xác định giải quyết chiều thiếu hụt việc làm đóng vai quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, đa chiều, các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tỉnh phấn đấu giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 10%.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết theo kế hoạch năm 2024, Trung tâm sẽ tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động này là cơ hội giúp người lao động, đặc biệt người nghèo, cận nghèo, được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề; nắm được các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp.
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để kết nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tiếp và trực tuyến tại các huyện và thành phố thu hút gần 2.000 người tham gia.
6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho 6.195 lượt người lao động; giới thiệu, kết nối việc làm, học nghề cho 1.223 người, hơn 50% trong đó tìm được việc làm.
Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 17.100 lao động được tạo việc làm. Đầu năm 2024, chị Hoàng Thị Thủy, ở xã Kim Phú (TPTuyên Quang) tham gia phiên giao dịch việc làm tại TP Tuyên Quang đã tìm được việc làm trong lĩnh vực may mặc ở khu công nghiệp Long Bình An cách không xa nhà chị. Mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng giúp gia đình chị vơi đi nhiều khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thu nhập ổn định cũng giúp chị có thêm vốn đầu tư, động lực phát triển mô hình chăn nuôi lợn.
Tại huyện Lâm Bình, 6 tháng đầu năm 2024, huyện tạo việc làm và chuyển đổi nghề cho 1.230 người, đạt hơn 73% kế hoạch tỉnh Tuyên Quang giao. Trước khi mở các lớp đào tạo nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đều khảo sát theo nhu cầu người học và gắn với nhu cầu xã hội để nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm ngay sau khi học xong.
Đây cũng là cách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa thực hiện. Hiện 100% học viên khi học nghề tại trung tâm ở Chiêm Hoá hay Lâm Bình được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo ước tính, năm 2024 toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 23.300 lao động được tạo việc làm. Trong đó, gần 15.000 lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh; lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 1.071 người.
Đối với chỉ tiêu tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án và các hoạt động liên quan đến việc giáo dục nghề nghiệp, việc làm thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Kết quả, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo 1.346 học viên. Dự kiến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ ước đạt 28%.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, Tuyên Quang đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4%/năm trở lên, các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên. Đảm bảo người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Tuyên Quang hiện tăng cường thu hút đầu tư vào khu Công nghiệp Long Bình An (TPTuyên Quang); chế biến gỗ, chế biến nông sản ở cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa); chế biến khoáng sản, chế biến chè, may mặc ở khu công nghiệp Sơn Nam hay sản xuất linh kiện điện tử, nông sản xuất khẩu ở cụm công nghiệp Phúc Ứng đều tại Sơn Dương…